Vũ Thị Bích



     Nói đến Hawaii, tôi hình dung ngay màu nước biển xanh màu ngọc. Nước biển ở đây lạ lắm, ven bờ là màu xanh ngọc, xa hơn nữa là màu xanh của đại dương, xanh màu xanh nước biến. Màu xanh của biển bao quanh Hawaii, đem lại cho Hawaii cái mát mẻ và thơ mộng tuyệt vời.
     Cấu trúc của những ngọn núi nơi đây cũng lạ lắm, từng mảng núi bị khứa thành múi, chạy dọc từ đỉnh, thoai thoải xuống tận chân núi. Tuy thơ mộng là thế, vậy mà cũng có lần Hawaii rúng động vì ngọn núi lửa gầm gừ, rồi phun trào nham thạch, để lại dấu tích là những tảng đá đen và một lòng chảo, bây giờ là một cái hồ thơ mộng.
     Điều tôi yêu nhất ở đây là, đó đây có những cây bàng. Hình ảnh thân thuộc ấy, đưa tôi về với quê hương, với Văn Miếu Hà Nội. Ngày xưa còn bé, chúng tôi có một thời gian, được học trong Văn Miếu, không biết có phải lúc ấy, trường Lý Thường Kiệt của chúng tôi, đang được tu bổ hay sao ấy? Tôi đã thật sự rung động, trước cây bàng đang xòe rộng tán lá, với lá vàng, lá xanh. Dưới gốc cây, những quả bàng chín, màu vàng màu đỏ, lăn lóc. Tôi thèm ăn hột bàng. Chúng tôi lấy một hòn đá, đập nát quả bàng, lấy nhân bàng, màu trắng ra ăn. Ngon lắm ! Nhưng chắc không ngon bằng ngày xưa còn bé.
     Trên con đường ra phi trường, tôi thấy những bờ tường, phủ hoa ti-gôn. Màu hồng nhạt, mầu hồng đậm. Tôi nhớ lại lúc mới lớn, cứ thả hồn theo "Hai sắc hoa ti-gôn" của TTKH. Tuy còn bé, chẳng hiểu sao, tôi lại cứ "vận vào người" những trắc trở của tình yêu như thế!


"Từ đấy, thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
"Người ấy" ...cho nên vẫn hững hờ."  

"Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi.
Và từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người."  

"Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?"  

"Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu lá rụng, lúc tàn canh.
Yêu trăng lặng lẽ, rơi trên áo,..."  


     Cho đến bây giờ, mới thấy là mình, thật là "thơ với thẩn"!
     Nhưng tôi vẫn yêu hoa ti-gôn, hình "trái tim tan vỡ" ấy. Tôi thích hàng rào nhà mình, có hoa ti-gôn leo; cổng vào nhà mình có giàn hoa màu tím. Nói đến hoa leo, ở Hawaii có rất nhiều hoa giấy, hoa giấy vươn lên khắp nơi, với nhiều màu sắc khác nhau.

     Đặc biệt, Hawaii là xứ dừa, nhưng những cây dừa ở đây, khẳng khiu và không thấy trái. Bạn tôi bảo rằng, người ta phải hái trái dừa bỏ đi, từ khi nó vừa mới lớn, vì sợ trái dừa rớt xuống, làm du khách bể đầu! Dừa có mặt khắp nơi, nhưng cao ngòng và khẳng khiu cong queo!
     Tắm biển ở đây thì thích quá rồi! Tắm lúc nào cũng được. Rất nhiều người chơi surf, họ vác những tấm ván, từ xa đến, thả ván xuống nước, nằm xấp trên ván, hai tay làm mái chèo, đưa ván ra khơi, rồi những đợt sóng sẽ đến, mang họ ra xa. Đùa giỡn với sóng nước, dưới nắng ấm của Hawaii. Tôi thấy mọi người, mọi sắc dân, mọi lứa tuổi, đều thanh thản, tươi vui. Con người ở đây, như không biết đến những xáo trộn đang diễn ra, hằng ngày, trên thế giới.
     Dân du lịch và dân bản xứ, đa số mặc áo tắm, từ nhà hay từ khách sạn. Trên khắp đường phố, người dân ăn mặc đơn giản, thoải mái, từng nhóm nói cười. Đâu đâu cũng là khách sạn, đâu đâu cũng có hàng ăn. Giá cả về ăn uống, cũng không đắt lắm. Một tô phở có 7 dollars. Một phần ăn trong "All you can eat" có 15 dollars. Cũng như giá cả ở Seattle mà thôi, dù Hawaii là một xứ, mà người dân sống với ngành du lịch, chứ không có một nền công nghiệp nào khác.
     Có một buổi sáng, mới 6 giờ, chúng tôi ra bãi biển, cách khách sạn chừng 300mét. Mua hai đôi dép Nhật, trên 30 dollars. Khoác bên ngoài áo tắm, một áo choàng mỏng, đi dép Nhật, trong không khí thật thanh bình, chúng tôi ra phía biển. Tâm hồn thật thoải mái, và chúng tôi không cảm thấy xa lạ, mà như đang đi trên mảnh đất thân quen.
     Thêm một điểm đặc biệt của Hawaii là, nơi đây có rất nhiều cây cổ thụ. Nhiều cây có hình dáng rất đẹp, tán lá trải rộng, thân cây uốn lượn, như hình dáng những chậu bonsai. Đi đâu cũng thấy những tàng cây, với hình dáng của bonsai.
     Khi chúng tôi vừa đến biển, ngay bờ, là, một cây cổ thụ, 10 người nối vòng tay, chắc ôm vẫn chưa hết! Rễ cây rủ xuống, làm tôi nhớ đến, những cây cổ thụ, trong Sở Thú Saigon. Tiếng chân người, làm lũ chim chợt thức giấc. Cả vùng trời, chợt râm ran tiếng ríu rít của chim. Tưởng như cả hàng vạn con chim, đều cất tiếng!
     Mặt trăng vẫn còn treo lơ lửng, bờ đá lờ mờ. Chúng tôi thử đi dần xuống nước. Hơi lạnh. Cứ từ từ ra xa, nước ấm dần. Chỉ vài phút thôi, là đã có thể bơi lội trong làn nước mát mà ấm của Hawaii. Thật là tuyệt vời!
     Mặt trời bắt đầu ló dạng. Ánh sáng ban mai, cho tôi nhận thấy, ở đằng xa, có hai cặp đang đứng ôm nhau, từ lúc nào! Rồi người người, từ các nơi ra tắm, đông dần. Nắng lên, bãi biển như rực rỡ hơn, với những màu áo tắm, đủ mọi sắc màu!
     Ven bờ biển, khoảng gần 20 cái building. Vài building có sàn deck thật rộng, trên ấy hàng chục tấm dù, che các ghế ngồi. Những tấm dù màu đỏ Bordeaux rực rỡ ở building này, và những tấm dù màu xanh lá đậm màu, nổi bật ở một building khác.
     Có một buổi chiều đi chơi về, chúng tôi vội vã ra biển. Biển đã ngập tràn, người với người. Chúng tôi quẳng túi xách gần chòi của những nhân viên "bay watch". Độ khoảng 7 giờ, thì nhóm người ấy, thu dọn đồ nghề để ra về. Có lẽ họ làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ? Đặc biệt, có những người, cầm máy rà, quơ ngang, quơ dọc, trên bãi cát. Không hiểu họ là công nhân nhà nước, hay cá nhân, tìm các miểng kim loại để tránh cho dân chúng bị dẫm đạp, hay là cá nhân nào tìm "vật quý" rơi vãi đó đây? Tôi cũng chưa có dịp hỏi ai.
     Hawaii phảng phất hình ảnh của một Vũng tàu, với bãi biển kề khu phố xá; của một Saigon, với phố xá ngập ánh đèn màu và người người nhộn nhịp trên những hè phố; của một Đà Lạt, với cái lạnh ở trên cao; của một Đà Nẵng, với hàng dương liễu ven bờ cát vàng, với tiếng sóng vỗ rì rầm!
     Chim chóc ở đây rất dạn dĩ. Có lần đang ngồi trong "coffee room" của khách sạn, ăn sáng. Một chú chim con, nhảy nhót từ chân bàn này, đến chân bàn khác, dùng cái mỏ xinh xinh, nhấm từng vụn bánh. Mặc mọi người chung quanh xôn xao, chim vẫn ung dung "ăn sáng" một mình. Trên đường phố, có rất nhiều loài chim quí. Nhỏ bé, xinh xinh, với mái đầu đỏ thắm hay xanh biếc, co hai chân bé nhỏ, nhảy từng chặng, đó đây.
     Hawaii là một quần đảo, chúng tôi dừng chân ở Honolulu, và stop by ở Maui. Cô bạn thời thơ ấu của tôi, đã đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo. Nơi đâu biển cũng đẹp lạ kỳ, hết sức lôi cuốn. Du khách có mặt ở khắp nơi, họ thường đi từng nhóm hay đi theo tour.
     Cát ở đây mềm và mịn. Vào mùa êm ả, sóng không lớn lắm, và Hawaii nối tiếng là nơi lý tưởng, để người ta chơi lướt sóng trên những tấm ván (surfing). Với những đợt sóng không cao quá 1 mét, và ra xa bờ vào khoảng trên dưới 20 mét, nước xấp ngang lưng, đủ để người ta đùa giỡn với sóng nước, mà không sợ gặp nguy hiểm.
     Tất cả các bãi biển ở Hawaii dành cho công chúng, chỉ trừ khi Obama về thăm người thân, thì vùng biển quanh đó, bị chặn lại, để bảo vệ cho ông ta thôi. Bạn tôi, như mọi ngày, dẫn chú chó đi dạo trên bãi biển, hôm ấy bị chặn lại, với lý do như thế. Có vài khách sạn và chủ đất, đã cố tình làm cho du khách lầm tưởng theo một hướng khác, nhưng họ vẫn phải để cho dân chúng vui chơi ngang qua vùng đất của họ. Điều này, làm tôi nhớ tới, có một lần, tôi và gia đình, đi tắm ở Bắc Mỹ An, Đà Nẵng; có người đã ra chắn chúng tôi, không cho chạy dọc theo bãi biển, và nói là, đây là vùng đất riêng của khu resort ấy! Lúc ấy, tôi thật sự bất mãn, và tự hỏi, "Ai cho họ quyền bán, quyền mua, vùng biển trời chung của dân chúng?" Ở những vùng biển rộng và an bình, như Kauai, Oahu, người ta có thể chơi thả diều, ném đĩa (Frisbee), bóng chuyền (volleyball), hoặc đi bộ dọc theo bãi biển. Họ còn có thể lái kayak, lướt sóng ngoài xa. Thật là lý thú, khi hít thở không khí trong lành, và ngắm biển xanh, từng vằn đậm nhạt chen nhau. Biển được bao bọc chung quanh và rải rác, bởi những ngọn núi. Có những ngọn núi với hình dáng lạ kỳ, như Chinese Hat, có những ngọn núi, nhìn từ xa, giống như một hình thang!
     Có những bãi biển vắng người, nơi ấy các diver rủ nhau lặn dưới biền sâu, trên TV hằng tuần vẫn chiếu cành Hawaii ở vùng biển ấy.
     Một điều đáng nói của xứ này, là, ở đây không có rắn. Ngày trước, để không làm du khách sợ hãi, người ta đã mang về đây, những con "Indian mongoose", những con vật này, trông xa, giống như những chú sóc, nhưng mặt mũi dữ tợn, chứ không hiền lành như những chú sóc con. Những con 'mongoose' này, rất thích ăn rắn, nên dần dần, loài rắn bị tuyệt chủng ở đây. Nhưng cũng vì thế, một vấn nạn khác laị xảy ra, vì không có rắn 'ăn thịt', nên các loài bò sát, như chuột, dán,...tha hồ sinh sản. Bây giờ, nghe đâu, ai bắt được rắn, thì sẽ được thưởng. Họ đang muốn gây giống cho loai rắn sống lại ở vùng này.
     Chúng tôi cũng đã dành một ngày, để vui chơi ở Polynesian Cultural Center. Chương trình kéo dài cả ngày. Họ trình diễn mỗi ngày, trừ Chủ Nhật. Nhiều sinh hoạt khác nhau, nên tôi nghĩ là cộng đồng ấy, hợp thành một xã hội nhỏ, bằng cách mang niềm vui đến cho du khách, họ đã tự cung cấp cho mình những công việc để tồn tại. Đặc biệt, center này đã cấp học bổng cho hàng trăm sinh viên học hành ở các Đại Học, vùng lân cận. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ quay về, và cống hiến khả năng trong các sinh hoạt cộng đồng.
     Bên trong Center, như một làng nhỏ, nhưng cấu trúc thơ mộng và khoa học. Người ta có thể mua sắm các món quà lưu niệm, nhưng giá đắt gấp đôi, gấp ba ngoài phố. Có thể mua đố ăn, thức uống. Có nhiều bảng hướng dẫn đó đây, nhất là vị nào cần tìm ...,thì khắp nơi có bản chỉ đường.
     Chương trình biểu diễn của từng bộ lạc, được phân chia rõ ràng với thời biểu khác nhau, xen lẫn nhau. Thí dụ như, Samoa biểu diễn lúc 12:30, 1:30, 3:05, 4:00, 5:30; Còn Aotearoa biểu diễn lúc 1:00, 3:30, 4:30; Hawaii biểu diễn lúc 12:05, 1:30, 3:05, 4:30....Có tất cả 6 bộ lạc, các màn biểu diễn có khi trùng thời gian, nên tùy theo ý thích, mỗi người chọn nơi để xem. Nhưng mọi người đều tập trung ở lagoon, khi mọi sắc tộc biểu diễn trên ca-nô, khi ca-nô của họ lướt qua vùng lagoon ấy. Mỗi bộ lạc biểu diễn khác nhau, họ đến từ 3 nhánh sông. Có một ban nhạc, chơi đàn và hát, khi mỗi đoàn xuất hiện để nhảy múa. Mỗi đoàn mỗi vẻ, các cô gái đều xinh đẹp trong những trang phục thổ dân. Tiếng trống, tiếng phèng, tiếng hú, hòa với tiếng nhạc và lời ca, như đưa ta vào vùng xanh rừng núi, như khi ta bé, coi phim Tazan vậy. Khán giả ngồi quanh lagoon, vỗ tay rầm rộ để tán thưởng, và các máy chụp hình & quay phim, hoạt động không ngừng. Các bạn tôi bảo đoàn Tahiti là đẹp nhất. Các cô gái lộng lẫy trong các bộ váy nhiều tầng, mầu vàng rực rỡ, với trang sức của thổ dân. Và mái tóc thật dày, thật dài. Họ"lắc mông" thật dẻo và hấp dẫn. Họ uốn éo tấm lưng trần, và những ngón tay xoay xoay, như các điệu vũ của các người đẹp xứ Ngàn Lẻ Một Đêm! Sau khi, tất cả các bộ lạc đã trình diễn, tất cả các diễn viên, trên những con thuyền đôi, cùng xuất hiện lại một lần nữa, để chào tạm biệt khán giả. Ở những khu biểu diễn riêng của từng bộ lạc, mọi người được thưởng thức những pha biểu diễn hay tuyệt vời, như dùng gỗ đập ra lửa, dùng tay dập tắt lửa và chặt quả dừa, leo cây dừa thật cao, thoăn thoắt; thổi hai sáo một lúc, bằng mũi,..., hoặc nói về lịch sử và những điểm đặc trưng, của từng bộ lạc. Ở chỗ nào, họ cũng mời khán giả lên, cùng tham dự trò chơi. Vì không chuyên nghiệp và mắc cở, nên các nghệ sĩ bất đắc dĩ, khiến khán giả cười lăn. Cuối mỗi show diễn, các nhà nghệ sĩ ấy, được mời lên tặng quà.
     Rồi đến buổi chiếu phim với không gian 3 chiều, trên màn ảnh rộng, nói về một truyền thuyết của người bản xứ.
     Buỗi diễn ban đêm gọi là "Waikiki Nights", ở Theater Classic, là một màn hoạt cảnh, mô tả về một truyền thuyết mà cuốn phim ban chiều đã trình chiếu. Với sự chuẩn bị chu đáo, với một lục lượng diễn viên, hằng trăm người, cùng với kỹ thuật hiện đại, về ánh sáng và âm thanh, một sân khấu vĩ đại, với một khán đài rộng rãi, hình chữ U, cả hội trường bị cuốn hút theo từng màn diễn. Tôi vừa xem diễn, vừa cảm phục về mục đích, giúp sinh viên nghèo học tập, về sự đoàn kết, về nhiệt tình của người dân các bộ lạc, đối với cộng đồng của họ.
     Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Chúng tôi phải ra về, khi những ngày cuối của kỳ mid-winter break đã đến. Chia tay bạn bè, sau gần nửa thế kỷ xa nhau và bặt tin, tôi rất bùi ngùi, nhưng chúng tôi đã có những giây phút thật gần gũi, như trở lại ngày xưa còn bé, ở Hà Nội, khi hai đứa cùng đạp xe trên lối mòn của người đi bộ, trên ngọn núi Nùng, và rồi, cả hai chúng tôi, lăn lông lốc xuống tận chân núi, nằm sóng soải, trước mặt một đám người lính, đang diễn tập! Chúng tôi cũng từ biệt những người bạn cùng trường của chồng tôi, đã đón tiếp chúng tôi tận tình, và đi chơi với chúng tôi suốt một ngày, để rồi sau đó, cả đám đều cảm nặng! Chúng tôi cũng mãi nhớ, người học trò cũ, đã đón đưa chúng tôi và hướng dẫn đi khắp nơi. Cám ơn những vòng hoa chào đón của người Hawaii, chào mừng bạn hữu và người thân. Chúng tôi bịn rịn chia tay Hawaii. Chia tay các bãi biển đẹp tuyệt vời, chia tay các tàng cây hình bonsai duyên dáng, chia tay những chú chim non, dạn dĩ của một xứ sở thanh bình. Chia tay, những làn nước mát mẻ và ấm áp. Chia tay những du khách đang lang thang trên hè phố của xứ Aloha. Chia tay những cô gái đẹp mặn mà của xứ Hawaii, với các màn vũ, rất hấp dẫn, nhưng không khiêu gợi, mà toát ra một vẻ đẹp thánh thiện. Chia tay những cây bàng, đưa tôi về với quê hương. Chia tay những giàn hoa ti-gôn, đưa tôi về ngày nào chập chững làm thiếu nữ, những ngày tháng đẹp nhất của đời người.
     Khi từ phi trường Maui về Seattle, một chuyện lạ trong cùng xứ Mỹ, chúng tôi phải qua vùng kiểm soát của "The Agricultural Inspection Station", như những người từ nước ngoài vào xứ Mỹ! Chuyến đi tuy ngắn ngủi, nhưng chúng tôi đã có những giờ phút thanh thản, vui với thiên nhiên và tình nghĩa. Hawaii lại xinh đẹp và mến khách. Đến với Hawaii, chúng ta sẽ tìm lại được niềm vui, chúng ta sẽ thấy trái đất này vẫn đáng yêu, con người vẫn khả ái, chúng ta được dịp hòa mình với thiên nhiên, được tắm mát trong những ưu đãi mà Thượng Đế dành cho con người. Vive Aloha!!!  


Seatle, tháng 3/ 2011
Vũ Thị Bích