"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đuờng rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức, những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Những kỷ niệm ấy, tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì ngày đó tôi chưa biết ghi, và ngày nay tôi không nhớ hết...."
Bài văn học từ ngày còn bé, nhưng vẫn vương vấn bên tôi. Luôn gợi tôi nhớ đến, những buổi chớm Thu ở Hà Nội, khi những đợt gió Thu nhè nhẹ thổi, đưa tôi đến trường, mỗi sáng sớm. Ngôi trường Lý Thường Kiệt, trên đường đến Ga Hàng Cỏ, là nơi tôi đã nghe cô giáo nhẹ nhàng dẫn tôi vào mùa Thu, bằng áng văn trên. Có lẽ cũng vì thế, cảnh sắc Thu và thơ văn về mùa Thu luôn làm trái tim tôi rung động.
Nhớ những ngày mới lớn, tôi cũng tập tành thơ văn, lấy bút hiệu là Hoài Thu. Cũng có thể, một kỷ niệm đẹp thời bé dại, đã để lại trong tôi những nhớ thương dịu dàng và thân thiết. Ngày ấy, khi gia đình chúng tôi, từ Saigon chuyển xuông Châu Đốc, được ít tháng, đơn vị của Bố tôi lại chuyển ra Nha Trang. Đề sự học của con cái không bị gián đoạn, Bố Mẹ chúng tôi, đã để chúng tôi ở lại trọ học, cho đến hết niên khóa năm ấy. Khu chúng tôi ở, ven giòng sông nhỏ. Hai bên đường có những cây xoài cát, mà mỗi khi mưa to gió lớn, những trái xoài chín rơi rụng trên sông. Mặc gió mưa, chúng tôi nhào xuống giòng sông đục ngầu màu đất, trôi nhanh, mang theo những rác cây. Lẫn trong đám rác và đám lục bình với hoa tim tím ấy, những trái xoài chín đỏ, bập bềnh quyến rũ. Hàng xóm của chúng tôi, cách mấy căn nhà, có một cô bé tên Thu. Thu lớn hơn tôi một tuổi, nhưng nhỏ hơn anh tôi hai tuổi. Thu không được đi học, cha mẹ mất sớm, phải sống với dì dượng, mà nhiều lần tiếng khóc thét vì đau đớn vang lên từ căn nhà ấy, đã khiến anh em tôi ngẩn người xót xa. Mỗi buổi tối, sau một ngày làm lụng như một người lớn, Thu phải đội một thúng đầy bánh tráng cao ngất, len lỏi trong đêm. Nếu không bán hết,thì thế nào đêm ấy Thu cũng bị đòn roi! Cũng vì thế, tối nào, anh tôi phải ra cột đèn bắt cà cuống bán cho tiệm ăn; còn tôi, cố gắng học cho mau thuộc bài, để còn...đi bán bánh tráng. Nhiều lúc len lỏi trong đám cỏ tranh, cao hơn mình, tôi sợ muốn khóc, miệng rao to "bánh tráng đây, bánh tráng đây" mà lòng run rẩy. Tôi cũng cố bán cho hết phần mình. Nhưng cả Thu và tôi, có nhiều hôm, không bán hết được. Thế là, anh tôi, lấy tiền bán cà cuống mua hộ chúng tôi, và hôm ấy, Thu thoát một trận đòn. Ba đứa chúng tôi và vài anh bạn người Nam của anh tôi, đã có những lúc xum họp vui vẻ, nhất là khi nào, các anh bắn được thêm chim sẻ, hay anh Vân rút được từ vườn nhà, một dây thật đầy những củ lạc to tròn. Nhưng rồi năm học kết thúc, chúng tôi phải giã từ Châu Đốc, xa cô giáo Nga thật hiền từ, xa các bạn học, trong ấy có Lê Mỹ Phương, con bà Hiệu Trưởng, xinh đẹp như con búp bê, mà sau này tôi có gặp lại, lúc ấy bạn tôi đã là nha-sĩ, có phòng khám ở chân cầu Chữ Y. Nhưng nỗi băn khoăn và buồn bã nhất của anh em tôi, là từ đây phải xa Thu, xa cô bạn bé nhỏ đáng thương. Rồi đây, ai sẽ cùng Thu đội bánh tráng đi bán mỗi đêm? ai sẽ mua mão giùm Thu, những cái bánh tráng ế, lúc bóng đêm đã phủ đầy? Nhưng lúc ấy, tôi còn quá bé nhỏ, tôi chỉ còn biết nghe theo lời cha mẹ. Tôi cũng không biết làm sao để giữ liên lạc với những người tôi thương mến, những người đã cho tôi bao kỷ niệm êm đềm, khi chúng tôi, những đứa bé Bắc Kỳ, đã được thương yêu bởi những tấm lòng ấm áp của người dân miền Nam giản dị và ngọt ngào, như những trái xoài cát, rơi rụng trên sông dạo ấy.
Thu đã đi vào lòng tôi từ dạo ấy. Thu cũng đi vào trong hồn người anh đa tình của tôi. Có lẽ anh cũng nhớ Thu nhiều. Nhiều đến nỗi, khi tìm người kết bạn trăm năm, anh cũng rung động bởi một người đẹp tên Thu. Người mà một vài bài báo mới đây ở quê nhà, nói là "một trong những bóng hồng trong âm nhạc VN".
Những bài hát về Thu, với âm hưởng nhẹ nhàng nhưng réo rắt, luôn khiến lòng tôi lắng xuống, và kỷ niệm luôn tìm về, từ một góc nào đó.
Sắc Thu hôm nay, với những cánh hoa rơi rụng, với những chiếc lá đang phủ đầy lối đi. Mầu lá úa đó đây, như những confetti tung ra trong ngày đám cưới. Trong cái giá rét của vùng Tây Bắc, trong cái ướt át với hoa lá tả tơi này, những cánh confetti gợi đến hình ảnh một người lên xe hoa, và một người đứng lặng.
Mùa thu mưa bay, hoa rụng vương vương tà áo
Ngàn thu mưa rơi, lệ nhòa vương vấn hồn anh
Anh tìm mua Thu xưa
Nhìn ánh trăng phai màu
Bên thềm đầy lá úa
Ngàn sao khuất trong mưa
Anh tìm mùa Thu xưa
Đêm trắng giăng giăng sấu
Chim buồn bay trước ngõ
Người về trong giấc mơ...
Gọi Mùa Thu Mơ , thơ Phạm Ngọc
Từ khi lá đổi mầu, trên xứ người, bạn bè tôi khắp nơi, gửi đến nhau bao cảnh Thu rực rỡ. Hình ảnh Thu ở đâu cũng khiến lòng người rung động. Thu đẹp quá! Thu thơ mộng quá! Thu quyến rũ quá!
Thu trong thơ ca, luôn có gió nhè nhẹ, có lá vàng rơi. Nhưng Thu ở đây, hôm nay, không còn những con đường rực sáng, với bao sắc màu nồng nàn chen nhau, hai bên đường. Mầu gạch non, màu vàng hoàng anh, màu đỏ tươi, màu xanh non đã lần lượt rơi rụng, chỉ còn những chiếc lá úa mầu nâu xạm, lác đác trên những nhánh cây khẳng khiu, trong khung trời xám, nặng trĩu những giọt mưa, chực chờ đổ xuống những con đường ngơ ngác buồn, vì mùa lễ hội vừa vội vã ra đi.
Seattle, 11/2011
Vủ Thị Bích