TÌM VỀ NHỮNG TRANG LƯU BÚT
Tùng Sinh
Thân tặng các bạn lớp Đệ Ngũ -2/ TH Pleime nk: 67 – 68,
và bạn bè thân quen nơi chân trời góc biển.
Xin cảm ơn Nguyễn Hạnh _ người bạn tri kỷ của tôi đã lưu giữ được một quyển
lưu bút học trò, vượt qua bao biến cố thăng trầm để giờ đây nó trở thành
" nhân chứng " cho cả lớp và tạo nguồn cảm xúc để tôi viết bài này.
Nói đến lưu bút học trò thì chẳng có gì lạ . Cái lạ ở đây là cảm giác của chính "tác giả " của những trang lưu bút đó . Vừa bồi hồi xúc động được gặp lại chính mình sau 40 năm, vừa ngỡ ngàng đến không thể tin được chính mình lại viết ra những giòng chữ ấy, đến mức nếu không có giấy trắng mực đen kèm theo những tấm hình với những khuôn mặt non choẹt, ngây thơ kia thì sẽ chối ngay cho mà xem . Vì sao thì tôi sẽ nói rõ sau đây .
Cái lạ thứ nhất là mỗi " tác giả " đều có một " biệt hiệu " riêng kèm theo một tên thật cứ như nghệ danh không bằng! Nguyễn Hạnh (chủ quyển lưu bút) ký với bút hiệu Phương Linh, Nguyễn Thị Thái Bình là Phương Hồng, Trần Thị Ngọc Nga là Trang Khanh Nga …(nếu không phải là thứ mốt thời thượng cổ, thì những ca sĩ nổi tiếng đương thời như Phương Hoài Tâm, Trang Thanh Lan …phải là thần tượng của các nàng này ?). Còn tôi, có lẽ quá khổ vì mang cái tên con trai nên chọn cái tên thật là con gái : Ái Loan ! Một số bạn khác đi theo ngẫu hứng riêng : Trần Thị Lộc là Dã Thi, Ngọc Liên là Hoàng Zu Liên, Hồ Thị Hạnh là Mộng Quyên, Nguyễn Thị Hoa là Thùy Hương …Càng lạ hơn là ngay cả những bạn không có " tên hiệu " (chắc không ưa hoa hoè) đều trìu mến mở đầu trang lưu bút của mình : " Hạnh hay Phương Linh thương mến ", " Hạnh thương hay Linh yêu " cứ như biệt hiệu ấy đều được mọi người thừa nhận vậy .
Cái lạ tiếp theo là cách thể hiện những dòng lưu bút . Khi cùng đọc lại thì chúng tôi mỗi người ngả về một phía để cười (thế mà có lúc chúng tôi đã cười chảy nước mắt vì những trang viết của lũ học trò mình, thì ra cô giáo của nó ngày xưa cũng ngô ngố như thế) . Thế mới biết có hiểu người thì mới hiểu ta và ngược lại .
Tôi xin trích dẫn một vài dòng tiêu biểu cho cá tính, dấu ấn cá nhân của một vài bạn (xin mạn phép những người bạn ở phương xa) và cả dấu ấn của chiến tranh nữa .

Một trang lưu bút của BQ, lớp Đệ Ngũ-2, nk: 67-68/ Trung Học Pleime
Người đầu tiên mà tôi muốn nói đến là chị Bạch Quyến . Mở đầu chị viết : " Đêm trămg mờ ...." , BQ còn vẽ hình minh hoạ một vầng trăng có một cành cây rủ bóng xuống dòng nước, chắc là nhập tâm Suối Mơ của Văn Cao "... Sau những ngày bom đạn chúng ta lại cùng trở về trưòng cũ …Thế nhưng chúng ta chỉ học ít tháng nữa là nghỉ mưa, nghỉ đi sình lầy, để một mình mỗi đứa nhìn hoa phượng thắm tươi mà buồn bã héo sầu …" . Ôi cái điệp khúc nỗi buồn hoa phượng của chúng tôi thường được phóng đại cho thêm ai oán . Cuối cùng là một bài thơ đầy cảm xúc do chính chị sáng tác, nhưng vần điệu thì đúng như BQ tự nhận xét " tựa thơ cóc con " !
Tiếp theo là Hồ Thị Hạnh : " Cao Nguyên chiều buồn 19 / 4 /68
Linh thương mến ! cuốn lưu bút Hạnh vừa nhận được khi sáng đã làm Hạnh xao xuyến bâng khuâng một nỗi xúc động khó tả … " (lại Linh nữa rồi). Cuối cùng là một bài thơ lục bát, xin trích một đoạn :
…" Thôi Linh mộng tưởng hao gầy
Đời con chim nhỏ tháng ngày long đong
Tôi không còn nữa đâu Linh
U hoài từ lúc chiến tranh khởi đầu … "
Tôi tin chắc rằng bây giờ đọc lại, bạn Hồ Thị Hạnh không thể giải thích được vì sao bạn lại viết " tôi không còn nữa " ?
Và đây là của Trần Thị Hiệp, kiềng ba chân của nhóm chúng tôi :” Bây giờ mình mới chợt nghĩ ra rằng màu hoa phượng là màu máu thắm, cánh hoa phượng là những mảnh lòng son, đời hoa phượng là những niềm tin yêu dang dở … ". Một ngưòi kín đáo, ít bộc lộ tình cảm của mình như Hiệp sao lúc đó có thể viết những dòng lưu bút ướt át đến nỗi khi đọc lại những dòng này tác giả không tin được chính mình đã viết ra !!!

Trang lưu bút của Phong Hải- 1968
Còn Xuân Hoa giống như Kim Hoa, Phong Hải thì có óc thực tế nghĩ sao viết vậy không văn vẻ dông dài : " Mình mong Linh sẽ hiểu nhiều chứ bây giờ viết mình chẳng biết viết gì cả …".

Thái Bình lưu bút (trang 01) viết cho Nguyễn Hạnh, 1968.
Thái Bình thì mang nỗi buồn " mỗi người một phương trời cách biệt … Nếu muốn thì chúng tôi có thể đến nhà nhau hay quanh quẩn ở cái phố núi " Đi năm phút trở về chốn cũ " thì thế nào cũng đụng mặt nhau đâu đến nỗi cách biệt ở phương trời” . Dù Bình đã phân bua " Mình rất ít ý tưởng vì đâu phải là nhà văn ", nhưng xem ra cô nàng cũng giàu tưởng tượng đâu kém nhà văn ?

Thái Bình lưu bút cho Nguyễn Hạnh- Hè 1968
Đây là lời của Ngọc Nga, trưởng lớp Đệ Ngũ 2 : "… Tuổi học trò của chúng mình còn ngây thơ quá, chỉ nhìn đời trong vẻn vẹn vòng tay, hướng tương lai chỉ là êm với đẹp, bao đau thương bao đổ vỡ chưa hay …". Đúng vậy, nhưng sao đứa nào cũng ưa than oán khi viết lưu bút ?
" Linh chưa đứng vào hoàn cảnh của mình, là một kẻ xa quê hương làm dân tứ xứ bạn đủ các sắc dân. Nhưng chiến tranh không bao giờ hiểu cho chúng mình Linh nhỉ ?..", Ngọc Nga có bố là người từ miền Nam chuyển đến Pleiku nên dấu ấn chiến tranh để lại nhiều trên trang viết của chúng tôi .
Còn tôi đã lưu niệm cho bạn bằng hai loại hoa ép vào trang giấy với dòng chữ : "Hai sắc hoa màu nhớ " rõ to mà thời gian đã làm phai bạc . Ôi chắc là ảnh hưởng " Hai sắc hoa Ty gôn " của TTKh đấy thôi . Còn vì sao màu đỏ của hoa giấy và hoa phượng lại là "màu nhớ " thì chỉ có trời và tôi lúc đó mới hiểu được .
Điều lắng đọng trong tôi là : đằng sau những trang viết có vẻ lâm li ai oán của cuốn lưu bút đã ố vàng đó là những tâm hồn tươi xanh với niềm vui, nỗi buồn thánh thiện cho dù cuộc sống thời bấy giờ luôn bị chiến tranh rình rập đe doạ từng ngày .


(???)
Thời gian cứ trôi đi . Chúng ta không thể và cũng không nên đi ngược lại sự tiến bộ xã hội . So với tuổi trẻ bây giờ thì chúng tôi ngày xưa còn khờ khạo quá . Hồi ấy nếu phải đối diện với các bạn nam, chúng tôi thường ngượng ngùng luôn giữ một khoảng cách của tình bạn . Trong lưu bút của học sinh lớp 9 bây giờ, có những em đã ghi trong bản tự bạch về " tiêu chuẩn của một người yêu lý tưởng ", có sở thích xem phim Hàn Quốc hoặc "chat cùng người ấy " …Phải chăng do phim ảnh, sách báo cùng với sự bùng nổ thông tin trong cuộc sống hiện đại đã làm cho một số học sinh như trái cây chín ép . Mong sao những toan tính của người lớn đừng sớm len vào tuổi học trò . Một nhà thơ đã nói hộ tâm trạng ấy của tôi :
"… Em nghe như thời ấy hãy còn xa
Xin chầm chậm để hãy còn xa mãi
Xin là hoa hãy khoan là trái
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua "
(Tôn Nữ Thu Hồng)
Thật vậy, khi đã từng trải, có lẽ mỗi ngưòi đều mong cái thời hoa niên vô tư ấy kéo dài mãi mãi, đừng phải leo dốc vật chất, đối mặt với kinh tế hàng ngày, để sống mãi với tuổi học trò khờ khạo đáng yêu không bao giờ trở lại trong đời ./.
Vài hình ảnh Đệ Ngũ-2, nk:67-68/ Pleime xưa và nay:



Các bạn có nhận ra ai trong những tấm hình trên không?

Thế Thanh, Thái Bình, Tùng Sinh, T.Th.Hiệp, Nguyễn Hạnh – 1968

Vẫn 5 người ấy 40 năm sau: 2008
PM-PK Tùng Sinh