Vũ Thị Bích
* Một chút chia sẻ trong mùa Giáng Sinh
Hằng ngày, tôi chạy trên Express Lanes để đến trường. Mỗi khi đi qua gầm cầu, gần downtown, tôi thường thấy những tấm thân quấn trong những chiếc mền, những chiếc áo mưa, mầu vàng, mầu xanh, mầu đỏ,…Họ quấn kín đầu, không thể biết họ là ai, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Có người nằm trong một cái lều nho nhỏ. Không biết tấm lều mong manh ấy, có ngăn bớt được cái giá buốt của đêm đen, dưới gầm cầu thênh thang gió lộng?
Cứ mỗi lần chạy ngang qua đấy, tôi lại ghé mắt nhìn, dù chẳng thấy gì, ngoài các tấm nylon mầu xanh, màu vàng! Nhưng tôi luôn bị xao động, tôi nghĩ đến những thân thể còn hơi ấm, đang co ro chống lại cái lạnh cắt da, cái lạnh làm các đầu ngón tay tê buốt.
Nhưng mấy hôm nay, không còn là những cuộn màu xanh, màu vàng, mà là một đống chăn áo nhiều màu sắc, chồng chất lên nhau. Ôi, chắc là họ đã phải đắp lên thân thể mình, tất cả những mùng mền và quần áo họ có. Họ vùi sâu trong đống áo quần nhầu nát đó, hy vọng rồi sẽ chống lại được cái buốt giá vây quanh!
Có nhiều lý do khác nhau, đưa họ đến với nhau, dưới gầm cầu, để tránh mưa gió và tuyết sương. Có nhiều kết quả thống kê, về số người bất hạnh ấy. Những hứa hẹn của chính quyền, thí dụ như, “Ten-year plan to end homeless in King County.” (2004)
Thật ra, tôi đã thấy nhiều nhà thờ dựng lều cho họ ở. Nhưng cho đến bây giờ, họ vẫn vất vưởng đó đây !
Có những hôm, đi ra “parking lot” để lấy xe, mưa đá lạnh buốt, hắt vào mặt, vào cổ. Trên đường về, tôi thấy họ đang ngồi co ro. Dù đã đọc nhiều thông tin về họ, về những nạn nhân của sự đói nghèo, của sự đối xử dã man, của sự tàn tật bệnh hoạn, của kết quả những lỗi lầm trong quá khứ; tất cả những nguyên nhân đó, đã đưa họ trở thành những kẻ không nhà, tôi vẫn luôn băn khoăn về họ. Tôi vẫn thắc mắc, “Có cơ hội nào cho họ trở về với cuộc sống bình thường, như bao người khác?”
Quây quần với nhau như thế, họ có chia sẻ được gì không? Có còn uất hận gì không? Có mơ ước gì không? Nhất là có tìm được tri kỷ, để cùng nhau chia sẻ gió sương, ở một góc gầm cầu nào đó?
“Thấy người lại nghĩ đến ta.”
Tuần trước, một anh bạn, gửi cho tôi một vài thông tin đáng buồn. Người ta tìm thấy, trước cửa một ngôi chùa, một cụ già Việt Nam mất trí. Ai đã đem bỏ cụ ở chốn này? Cụ trở thành “vô gia cư” từ những người thân của mình! Một cụ già khác, loay hoay lục tung tóe hành lý, giấy tờ vung vãi, trước một quầy check-in, cho một chuyến bay về Việt Nam qua ngõ Taipei. Cụ đang cố tìm cái passport của mình. Cụ đến từ một tiểu bang khác, stop-by nơi này! Với passport Việt Nam, được cấp mười mấy năm trước, dù đã hết hạn từ lâu, họ cũng đã cho cụ lên máy bay. Tuy nhiên, lòng cụ rối rắm, làm sao quay lại với cháu con? Có người đặt câu hỏi, “Phải chăng con cái của cụ, không còn muốn cụ quay trở lại?” Đọc đến giòng này, tôi bỗng bị choáng ngộp! Tệ đến thế sao?
Cụ già mất trí bị bỏ rơi ở cổng chùa, tuy không khiến cụ đau đớn nữa, nhưng đã khiến tôi bàng hoàng, như đi vào một ngõ cụt, không lối thoát. “Vắt chanh bỏ vỏ” là một hành động vô ơn. Nếu là con cái của cụ, thì hành động này còn là bất hiếu, xuất phát từ những con người, không còn lương tri. Hình ảnh cụ già bị mất passport, hốt hoảng, lạc lõng, trong khu check-in, cứ in mãi trong tôi. Tôi thương các cụ biết bao! Là một phụ nữ, với đàn con cháu hôm nay, tôi nghĩ lại những gian nan đã qua của các cụ, nhất là thế-hệ 20 – 30, trải qua bao cuộc chiến tương-tàn của đất nước. Bao cuộc chạy loạn, tản cư! Bao lần bồng con, bế cháu, chạy thục-mạng hòng tránh bom đạn và càn-quét! Bao lần dựng lại cơ-đồ! Bao chắt chiu dành dụm cho con! Bao lần thổn thức khi con đau ốm! Bao lần tim thắt lại trước tin-tức chiến trường, khi con yêu còn ngoài mặt trận!
Người mẹ lúc nào cũng muốn bảo bọc con mình, yêu thương con bằng tất cả sinh lực mình có. Thế mà!
Với tâm trạng xót xa những kẻ không nhà, tôi không thể nào quên được hình ảnh các thương phế binh, lang thang nơi bến phà, bến xe; hay ngủ vùi trên hàng hiên một nhà nào đó. Một đời họ, đã chiến đấu cho người dân được sống trong ấm no. Một đời họ đã dãi dầu sương gió ở tuyến đầu, để bảo vệ an bình cho đồng bào của họ ở hậu phương. Họ đã bỏ lại một phần thân xác nơi chiến trường, giờ đây, với một xác thân không lành lặn, với những nếp nhăn hằn sâu dấu vết thời gian, họ không có cơ hội tạo cho mình một mái ấm, họ cô đơn trong buồn tủi. Liệu có ai là tri-kỷ, chia sẻ với họ, những nhọc nhằn thân xác, những đắng cay dày vò, mà họ phải chịu đựng, trước ánh mắt lạnh lùng, xa lạ của người đời, ngày càng trở nên vô cảm, trước đau thương của người khác?
Những người Việt Nam còn nghĩ đến quê hương, đang có rất nhiều trăn trở. Nào nguy cơ Bauxit, nào tương lai thế hệ sau, nào sự vẹn toàn lãnh thổ. Nơi đây, chúng ta còn đang phải đối mặt với nền kinh tế khủng hoảng, với sự thất nghiệp ngày càng gia tăng. Trên Internet, qua email, mọi người đang trấn an nhau, bằng những triết lý của các nhà hiền triết, bằng các bài hát, các hình ảnh đẹp, bằng tình thân ái. Khuyên bảo nhau, biết chấp nhận và sống lạc quan,...
Nhận một PPS, nghe một giọng hát trầm ấm, minh họa bằng những hình ảnh đẹp và thích hợp, khiến sự cảm nhận sâu sắc hơn.
Nhưng rồi, mỗi ngày, thực tế trước mắt, vẫn đưa tôi trở lại với những trăn trở, về những người, không có một mái ấm để nương thân. Dù họ là ai, dù họ ở đâu, trên xứ sở này, hay trên quê hương tôi. Nghĩ đến những cơ cực của họ, tôi xót xa làm sao! Nếu có thể hét lên, hét thật to, để Thượng Đế nghe thấu. Để Ngài làm một điều gì đó, mang lại quân bình cho số phận con người. Để không còn "kẻ trong chăn ấm, người ngoài gió sương
Seattle, Noel 2010
Vũ Thị Bích