MỘT GÓC CON NGƯỜI


  Vũ Thị Bích       



Các cụ ta, ngày xưa thường nói:
"Cái răng, cái tóc, là góc con người."

Mỗi buổi sáng, chải đầu, tôi cảm nhận được "cái góc con người" của tôi, mỏng dần theo năm tháng. Thật là đáng buồn, nhưng chẳng biết phải làm sao!

Nhớ lại ngày xưa, lúc phóng xe đạp đến trường, tóc tung bay trong gió, tâm hồn mới khoáng đạt làm sao! Tôi vẫn luôn yêu những mái tóc bồng bềnh, những mái tóc dài.

Tôi thích câu hát:

"Mây và tóc em bay, trong chiều gió lộng."

Hình ảnh ấy dễ thương làm sao! Hỡi các cô bé đang tuổi lớn, hãy vui hưởng với những tung tăng, với mây trắng, với sóng vỗ. Ngay cả những giây phút, chỉ một mình, với không gian bát ngát vây quanh.

Các cụ mình hay nhỉ? Các cụ đã dùng ca dao và tục ngữ, để giáo dục chúng ta. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, như thế, các cụ nói, "Cái răng, cái tóc, là góc con người", là nói đến sự tồn tại của chúng, hay nói đến "phong cách" của chúng? "Cái tóc", thì còn có thể "điều khiển" được, chải kiểu này kiểu nọ, hay cắt ngắn cắt dài. Còn "cái răng", mới đáng bàn đây; vì khi nói đến sự tồn tại, thì chẳng lẽ "cái góc con người" của chúng ta, bị giảm giá trị, khi những cái răng lần lượt rủ nhau đi, theo năm tháng? Và nếu, ông bô bà bô, vì quá "vất vả" với cuộc sống, mà "chúng" chạy nhảy, không ngay hàng thẳng lối, chẳng lẽ, lại là lỗi của chúng ta sao? Và "cái góc con người" của chúng ta, sẽ bị đánh giá thế nào đây?

Có lẽ, các cụ chỉ nói thế, để nhắc nhở chúng ta, chải tóc gọn ghẽ và giữ cho răng miệng luôn được thơm tho? Thật ra, tục ngữ Việt Nam của chúng ta, đã dạy và an ủi tôi thật nhiều lần, trong cuộc sống, vốn luôn chao đảo này.

Chẳng hạn như, ngày xưa còn bé, câu:

"Anh em như thể tay chân"

thường nhắc nhở tôi, phải yêu thương người thân ruột thịt của mình. Vì thế, dù luôn luôn trở thành "nạn nhân", sau các trò chơi nghịch ngợm của ông anh cả, tôi vẫn lẽo đẽo theo sau; và ông ấy mãi mãi là người, tôi yêu quí nhất!

Khi còn bé, anh em chúng tôi, hay xin các cụ cho "đi chơi xa", mỗi khi hè đến, vì quan niệm, "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Thật ra, chẳng hiểu có khôn ra được tí nào không, chỉ thấy ông anh tôi, reo rắc tơ vương khắp chốn!

Mẹ tôi thường nói, "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", phải "chọn bạn mà chơi". Hình như, tôi chưa bao giờ "chọn bạn". Tôi gần gũi hầu hết các bạn cùng lớp. Có lẽ, tôi là người may mắn, nên chẳng dây chút "mực" nào, mặt mũi lúc nào cũng tươi vui, vì chung quanh tôi, toàn là "đèn" sáng. Bạn bè tôi thường rất dễ thương và ai cũng "sáng" hơn tôi cả!

"Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại, nên hòn núi cao."

Điều này thì đúng thật! Ngày xưa còn bé, chúng tôi chơi "nhảy đồi". Hai đứa nằm giữa sàn nhà, đấu chân với nhau. Rồi chân này đặt trên chân kia, cao dần, cao dần, như ngọn núi. Mấy đứa còn lại, nhẩy qua, nhẩy lại; vượt hết đồi này, đến núi nọ. Đến một lúc, nó ngã nhào, trên những bàn chân, đang chĩa thẳng lên trời, và ngay lập tức, nằm xuống thế chỗ. Những lúc chấm dứt kiếp "núi đồi", thật là thích thú.

Ngày xưa, khi chúng tôi sắp vào kỳ thi, chúng tôi thường học nhóm. Chúng tôi làm hết sách này, làm sang sách khác. Có nhiều tác giả, soạn cho cùng một bộ môn, cùng một cấp lớp. Đề toán để ngay giữa bàn, rồi mỗi đứa cắm cúi giải. Nếu đứa nào xong trước, mà reo lên "Ra rồi!" là ngay lập tức, bị cả mấy đứa kia cảnh-cáo, "Im ngay, không được nói!" Bài nào khó, thì chụm đầu lại, cùng nhau phân tích, rồi, một đứa nào đó, chợt "khám phá" ra "ánh sáng cuối đường hầm" Cứ thế, chúng tôi "ngốn" hết mấy cuốn sách toán. Kết quả là những tiếng reo hò, bên danh sách thí sinh thi đậu. Thế mới biết, "ba cây chụm lại, nên hòn núi cao"!

"Đói cho sạch, rách cho thơm"

Sao hồi xưa còn bé, câu tục ngữ này "gây ấn tượng" sâu xa đến thế không biết! Lúc nào cũng cố gắng giữ "cho thơm". Cho đến bây giờ, vẫn còn e-ngại, vẫn còn nghe văng vẳng lời cha mẹ dạy, vẫn còn như thấy câu tục ngữ ấy, ngay trên đầu bảng phấn!

"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no."

Các cụ dạy hay thật, rất dễ nhận biết, khi đang đói bụng, thì một chút gì, ăn để ấm lòng, cũng đã "thỏa thê" rồi! Còn khi đã no kềnh, thì có ăn thêm gì đi nữa, cũng không thấy ngon, mà có khi còn "ấm ách" nữa ấy chứ! Bố mẹ tôi ngày xưa, thường dặn dò chúng tôi, nếu cụ Vũ Tam Kỳ ghé nhà, nhớ biếu cụ chút gì để cụ ăn. Cụ đang đói, nên có gì, cứ mời cụ ngay. Cụ Vũ Tam Kỳ, đi xin ăn, ở Hà Nội ngày xưa. Tóc cụ được cắt thành 3 khoảnh, và cụ chỉ xin vừa đủ bữa; còn lại thời gian, cụ ngồi trầm ngâm, như một nhà hiền triết. Khi ấy, tôi chỉ thấy hiếu kỳ với "mái tóc" lạ lùng của cụ. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ, có lẽ cụ muốn nhắc nhở, dân 3 miền đều là con dân nước Việt, vì cả 3 đều cùng chung tổ-quốc Việt Nam.

"Sông có khúc, người có lúc"

Cuộc đời tôi thăng trầm theo vận nước. Biết bao lần lênh đênh, trôi giạt. Có những lúc, tưởng như không thể nào chịu nổi, nhưng cứ tự an-ủi rằng, ai mà chẳng thế, có ai sướng mãi đâu, và cũng có ai khổ mãi đâu, "Sông có khúc, người có lúc" mà!

Tục ngữ của dân ta hay thật, chúng ta luôn được khuyên bảo, an ủi, và khuyến khích, nếu chúng ta hòa mình vào nguồn văn chương dân giả.

Mấy lúc sau này, tôi luôn nghĩ về quê nhà. Có một cậu cháu nhắc nhở, "Chắc cô cũng biết, quê hương là chùm khế ngọt?" Đúng vậy, những lúc chao-đảo trong cuộc sống, những lúc lo âu vế chiến cuộc khắp nơi, tôi thường tự hỏi, "Nếu có chiến tranh xẩy ra, biết đi về đâu nhỉ?" Ngay lúc ấy, hình ảnh quê hương hiện ra thân thiết. Tôi cảm nhận được vị ngọt của khế. Nhưng khế bây giờ, khế ngọt hay chua?


Vũ thị Bích
6/2010_ WA