NGUYỄN VĂN HÀO
Lần đầu gặp ông Chánh sự vụ Sở học chánh
Tôi bắt đầu nghề “gõ đầu trẻ” vào cuối năm 1973 tại trường Phạm Hồng Thái. Lúc bấy giờ phần lớn thầy cô “Trung học đệ nhị cấp” , tức là Cấp 3 hoặc Trung học phổ thông, theo cách gọi ngày nay tại Việt Nam, đều xuất thân từ Đại học sư phạm Huế. Còn tôi thì lại là Đại học Sư Phạm Đà Lạt. Cũng xin nói thêm là tuy hai trường đại học này rất xa nhau nhưng phần lớn những giáo sư giảng dạy lúc bấy giờ đều dạy cả hai trường vì số giáo sư đại học của miền Nam Việt Nam lúc ấy không phải là nhiều. Cho nên, dù học ở trường nào, trình độ của sinh viên cũng tương đương với nhau.
Khi tôi dạy tại trường Phạm Hồng Thái năm học đầu tiên 1973-1974, sân trường vẫn còn là sân đất nên khi đến mùa mưa trở nên trơn trượt, việc đi lại của học sinh trở nên khó khăn và dơ dáy hơn vì cái “đất đỏ ba-dan” của vùng cao nguyên. Cùng lúc ấy có một số công nhân “áo xanh” đang làm đường trước trường và họ có nhiều đá xanh cỡ nhỏ để trải đường. Tôi mạo muội đến gặp người phụ trách xin họ một ít đá xanh đó để làm một cái lối đi nhỏ từ cổng trường đến phòng Hội đồng giáo viên mà thôi, dài chừng 20m. Tôi xin anh Nguyễn Đang Dự, hiệu trưởng nhà trường, cho thầy trò chúng tôi “thi công” và được anh đồng ý, chúng tôi bắt tay vào việc ngay.
Chúng tôi chỉ mới bắt tay vào làm được một buổi sáng ( lớp tôi làm giáo sư hướng dẫn lúc bấy giờ là lớp 9/2 ) mới làm có vài mét thì hết giờ. Công việc đành dừng lại để đến ngày hôm sau làm tiếp. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, thầy trò chúng tôi được lệnh không làm nữa mà toàn bộ công việc sẽ do chính đội áo xanh phụ trách. Tôi hết sức vui mừng vì cái ‘sáng kiến” của mình được nhà trường hưởng ứng. Thế là đội áo xanh bắt tay vào làm, có xe ủi, có dụng cụ trải đá, xe cút kít và cả nhựa đường. Không chỉ rải đá xanh từ cổng trường vào phòng Hội đồng giáo viên mà làm một con đường “chính quy” có trải nhựa từ cổng trường kéo dài đến tận dãy nhà cuối sân, dài khảng 200m. Chỉ sau ít ngày, con đường đẹp đẽ chào đời. Việc đi lại sạch sẽ và sân trường đẹp hơn xưa nhiều. Về sau tôi được biết chính anh Dự ngay buổi chiều hôm ấy đã liên hệ được với đội ngũ công trình chỉnh trang đô thị giúp cho. Tôi cũng không ngờ là sau khi con đường hoàn thành, anh Dự mời ông giám đốc Sở học chánh Thái Văn Duy đến để làm lễ khánh thành con đường mới!
Đứng trước thầy trò trên ngay con đường mới này từ cổng trường dẫn đến dãy nhà ngang phía trong cùng, Ông Giám đốc Sở học chánh phát biểu đại khái khen ngợi thầy trò đã có sáng kiến làm con đường này, cám ơn đội ngũ công nhân áo xanh đã có nhã ý ủng hộ cho nhà trường và mong rằng nhà trường còn có những công trình khác nữa để sao cho trường lớp ngày càng đẹp hơn…
Sau “Lễ khánh thành” đơn giản như thế, tôi bất ngờ được anh Dự mời đi ăn sáng cùng với ông Giám đốc Sở. Thực tình thì tôi rất ngại ngần vì mình chỉ là một thầy giáo mới ra trường mà lại được diện kiến Ông Giám đốc Sở “to như cái núi”! Tôi có ý từ chối nhưng anh Dự cứ kéo tôi đi. Trong bữa ăn sáng đó mà suốt đời tôi không bao giờ quên, tôi cứ tưởng anh Duy với vẻ bề ngoài nghiêm nghị nhưng té ra lại rất thân thiện, vui tính chứ không phải là người “ khó gần” như tôi nghĩ. Tình thân bắt đầu từ đấy và đến khi tôi lấy vợ, tôi mời một số giáo viên của nhà trường và dĩ nhiên tôi phải nhớ mời anh chị Duy và vài anh em đang làm việc tại Sở đến chung vui cùng với chúng tôi tại một nhà hàng. Ngoài ra, tôi còn mời thêm một số giáo sư của trường Minh Đức, nơi tôi đang dạy thêm ngoài trường Phạm Hồng Thái là nhiệm sở chính. Trong tiệc cưới ngày hôm ấy, anh chị Duy có mặt và ngồi bên cạnh là cha Trần Sơn Nam, hiệu trưởng trường Minh Đức, anh Nguyễn Đăng Dự, hiệu trưởng trường tôi và nhiều thầy cô khác nữa…
Thế rồi biến cố 30.4 diễn ra. Số thầy cô cùng trường trở lại Pleiku không nhiều. Tôi không còn thấy anh Duy và anh Dự nữa. Tôi mất liên lạc với các anh từ đấy. Còn tôi , sau ngày 30.4.1975, tôi ra trình diện theo lời kêu gọi của chính quyền mới và tiếp tục công tác tại nhiều trường ở Pleiku cho đến khi về hưu ( 3.2010). Cách đây vài năm, nhân dịp anh Võ Thu Lương từ Mỹ về Pleiku có ghé thăm tôi, tôi có ý muốn tìm anh Dự và anh Duy mà tôi không biết các anh đang làm gì, ở đâu. Anh Lương hứa khi về Mỹ sẽ gửi cho tôi địa chỉ của anh Dự. Còn anh Duy thì anh hứa sẽ gửi sau. Anh Lương đã giữ đúng lời hứa và tôi liên lạc trở lại được với anh Dự sau nhiều năm không có tin tức gì.
Gặp lại ông Chánh sự vụ Sở học chánh sau 35 năm
Khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới và mở cửa từ năm 1986, nhiều kiều bào đã trở về thăm quê hương và hầu như không gặp khó khăn gì đáng kể. Các em tôi từ Đức đã về thăm nhà nhiều lần và lại còn lấy vợ ở Việt Nam nữa. Tôi mong anh Dự và anh Duy cũng trở về thăm quê hương như anh Lương đã về nhưng chờ mãi chưa thấy.
Rồi việc gì phải đến, sẽ đến. Trước khi anh chị Duy trở về thăm Pleiku sau 35 năm xa cách, tôi nhận được thư của anh báo tin và cho biết chỉ ở lại Pleiku một ngày thôi. Anh có hỏi tôi có thể gặp nhau vào lúc nào. Tôi liền gửi ngay cho anh lịch làm việc của tôi và anh tự do chọn. Đồng thời, tôi có nhã ý muốn mời anh và gia đình tham quan thành phố Pleiku trong một buổi sáng. Ngoài ra, tôi còn đề nghị anh chị cho tôi được mời anh chị ngoài việc đến thăm còn cho tôi được hân hạnh mời anh chị ăn cơm tối tại nhà tôi.
Khi gia đình anh đến Pleiku, anh gọi điện thoại báo tin cho tôi và tôi đến đón anh tại khách sạn. Tôi mời anh chị và các cháu ghé nhà chơi. Thời gian gặp gỡ không nhiều nhưng tình cảm vui mừng của chúng tôi gặp lại anh thì không sao diễn tả hết được. Anh cho biết là không có thời gian ăn cơm tối với chúng tôi nhưng mời tôi đến ăn cơm tối tại một nhà hàng do anh khoản đãi chung vui với nhiều thầy cô và học sinh mà anh đã mời. Như thế thì tiện cho anh hơn. Vợ chồng tôi rất lấy làm tiếc anh không thể nhận lời mời của chúng tôi nhưng cũng rất vui khi gặp lại anh có đông đủ thầy trò còn ở Pleiku có mặt trong bữa cơm thân mật hôm ấy.
Trong buổi gặp mặt đó, anh Duy phát biểu đại thể anh rất cảm động khi được gặp lại những thầy cô và học sinh cũ của anh. Anh cho biết thêm mặc dù đã 35 năm trôi qua mới gặp lại nhưng không lúc nào anh quên được những thầy cô và học sinh cũ, “ mười ba năm tôi làm việc tại Pleiku đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm đẹp và suốt đời tôi không thể nào quên, hơn hẳn ba mươi lăm năm sống trên đất Mỹ”. Mọi người có mặt vỗ tay hoan nghênh tình cảm của anh với với những thầy trò cũ còn đang hiện diện trên mảnh đất Pleiku thân yêu này.
Bữa tiệc gặp mặt diễn ra vui vẻ. Tôi thay mặt thầy trò có mặt trong buổi tiệc hôm ấy cám ơn lời mời của anh, đồng thời rất lấy làm vui khi được gặp lại anh sau bao ngày xa cách
Sau đó, chúng tôi thể theo lời mời của anh Tân, đến thăm trang trại của anh ngay buổi tối hôm ấy.
Sáng hôm sau, tôi có mặt tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để đón anh và gia đình đi tham quan thành phố Pleiku, nay đã khác xưa rất nhiều.
Sau 2 tiếng tham quan thành phố, trong đó có sự gặp gỡ vui vẻ với Ban giám hiệu hiện nay tại trường Phạm Hồng Thái, ngôi trường mà cách đây trên 40 năm anh đã là người đặt viên đá đầu tiên. Hiệu trưởng ngày nay là thầy Tuấn, cựu học sinh trường trung học Pleiku trước 1975.
Đến khoảng 11h, gia đình anh và tôi cùng đến dự bữa cơm thân mật do cựu học sinh Phạm Hồng Thái khoản đãi tại nhà hàng Thiên Thanh. Những kỷ niệm xưa được thầy Duy và những học sinh cũ của Trường Phạm Hồng Thái như Tân, Sáu, Phúc, Trang, Bông, Dũng , Trường, Thanh, … cùng nhau chia sẻ. Không khí thật là vui trong buồi gặp mặt đáng ghi nhớ này. Đặc biệt thầy Duy tỏ ra rất vui mừng khi biết rằng tất cả những thầy và trò của trường PHT đều đã có một đời sống ổn định, thế hệ sau đã có nhiều cháu học hành giỏi giang và nay đang vững bước theo thế hệ cha anh. Thầy cũng tỏ ra rất vui mừng khi biết rằng trong số những học trò có mặt nơi đây đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại! Tuy tất cả đều đã có tuổi rồi nhưng tâm hồn vẫn cứ trẻ trung như ngày nào…
Tôi rất tiếc là không thể ngồi lâu hơn vì có việc bận. Tôi xiết chặt tay anh khi phải chia tay. Anh có nhã ý mời tôi sang Mỹ chơi cho biết. Hy vọng một lúc nào đó vợ chồng tôi có cơ hội gặp lại anh và gia đình trên đất khách.
Pleiku, 12.12. 2010
NGUYỄN VĂN HÀO
GV trường Phạm Hồng Thái Pleiku (1973-1975)