Ở Một Nơi Nào


  Pm Nguyễn Hương Minh        



Mở: Đời sống là sự trộn lẫn giữa thực và ảo, giữa cuộc sống và mộng mơ, giữa quá khứ-hiện tại-tương lai. Một chút chia xẻ nếu ai đó tìm thấy chính mình trong cơn bão của giòng chảy cuộc đời. Hôm nay và ngày mai, cám ơn những tình cảm của những người bạn cũ.


    T
ôi sinh ra ở một vùng biển thuộc Trung phần Việt-Nam. Mặc dù tôi sống ở biển chẳng được lâu vì khi tôi mới hai tuổi, bố mẹ tôi đã dọn nhà vào Sài-Gòn, cái mặn mòi của biển và ánh nắng của Nha-Trang đã lưu lại cho tôi một nước da đen chẳng ra đen, nâu chẳng giống nâu, một đề tài cho mấy thằng em trai tôi khi so sánh với nước da của chúng nó thường đem ra giễu cợt. Sài-Gòn cũng chẳng lưu bước chân tôi được lâu, chỉ đủ thời gian cho bố mẹ tôi sanh thêm một thằng em và tôi xong bậc mẫu giáo ở một trường tư thục nổi tiếng có kèm theo những bà Soeur khó tính.

     Ngày bố mẹ tôi đến Pleiku, thành phố đó chỉ là một nơi “khỉ ho cò gáy”. Bố tôi không có sự chọn lựa nào khác vì ông là một sĩ quan, phải tuân theo sự điều động. Gia đình tôi ở nhà sàn, có đêm cọp về đến tận chân cầu thang. Bà vú kể thời gian đầu, mẹ tôi sợ cứ khóc hoài. Trong ký ức của tôi, hình ảnh của mẹ tôi luôn là hình ảnh của một người đàn bà dịu hiền, luôn phục tùng chồng, không bao giờ “dám” mắng con cái. Tôi phải dùng từ “dám” vì, cho đến ngày bà mất, tôi chưa hề thấy bà mắng đứa nào, nhất lại là đối với tôi, đứa con gái độc nhất trong bầy con năm đứa. Tôi có làm gì qúa đáng lắm, bà cũng chỉ nói lại với thầy hay cô giáo mà bố mẹ tôi mời về để kèm chúng tôi học. Mặc dầu vậy, mẹ tôi không phải là lọai đàn bà nhu nhược. Bố tôi tuy là một sĩ quan cao cấp nhưng lương chẳng đủ chi dùng, mẹ tôi sanh xong đứa con nào, nhiều lắm chỉ ở nhà độ một tháng lại phải ngược xuôi buôn bán. Bà đi Thái-Lan, Hồng-Kông và cả Miên để lấy hàng.

     Sự lớn lên của tôi, những năm tiểu học rồi trung học, đi theo đà phát trển của thành phố. Tiểu học tôi học chung trường nam, lên đến trung học đệ nhất cấp, tôi chuyển về trường nữ trung học Pleime. Đây là ngôi trường mang tên một trận đánh lớn của thời kỳ đó, nằm trên đỉnh một ngọn đồi, kế bên là một thung lũng nhỏ. Con đường Trịnh Minh Thế dẫn đến trường có hai hàng cây sao cổ thụ đan nhánh vào nhau. Ngôi trường đậm nét thời con gái của tôi, vị trí thơ mộng của nó làm xuất phát bao nhiêu là thi sĩ, văn sĩ con nít.

     Đời sống thành phố giăng trên hai đầu mùa mưa nắng. Đầu mùa nắng, những con sâu bướm đeo đầy cành, rớt lên tóc trên áo của nữ sinh dù chúng tôi đã cẩn thận đội nón. Thỉnh thoảng đang giờ học, cũng có tiếng thét lên khi ai đó nhìn thấy một con sâu đang bám trên đầu tóc hay trên áo người ngồi trước. Chúng tôi dù chẳng nói ra, nhưng ai cũng yêu con đường này. Mùa mưa dù đất đỏ cao nguyên có lầy lội, lá có rụng đầy đường, mỗi lần thấy người ta tỉa bớt cành, đứa nào cũng thấy tiếc. Trong tưởng tượng của bọn nữ sinh ngày đó, cả hai hàng cây là cái lọng để chờ ngày vinh qui bái tổ của quan Nghè, “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Dù ngày ấy tôi học ban B là ban Toán, cả mười tám đứa trong lớp chúng tôi là mười tám bầu trời tưởng tượng. Hễ nghỉ giờ học nào, chúng tôi lại kéo nhau xuống thung lũng, nằm dài dưới những tàn cây đấu láo, hoặc len lỏi hái những hạt với cái vỏ lóng lánh đủ màu mà chúng tôi gọi là bo bo rừng để xâu thành chuỗi đeo, hay tìm bụt sim chín, cây trâm đầy trái hái chia nhau ăn đến tím ngắt cả môi. Có khi mải chơi, trở về lớp trễ, chúng tôi bị bà giám thị phạt cấm túc. Sau mỗi lần bị phạt, cả lớp tôi lại tìm cách trả thù bà giám thị. Gọi là “bà” nhưng cô ta chỉ mới hai mươi tám tuổi, chưa có người yêu. Chúng tôi biết điểm yếu của cô là sợ ế chồng, nên cứ đợi cô giám thị đi ngang là đồng thanh hát:

“Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa
Cớ sao cô mình mãi vẫn vơ chửa chồng
Gió đánh cành đa, gió đập cành đa
Lấy chồng thì em muốn lấy ........
Nên đành ....chổng mông mà gào”

     Tôi không hiểu ngày ấy tại sao chúng tôi lại có thể ác mồm, ác miệng đến thế. Dù rất bực chúng tôi cô giám thị cũng không dám thẳng tay vì lũ chúng tôi là con cưng ̣(!) của trường; trường không có ban C nên ban báo chí, văn nghệ gì cũng từ lờp tôi mà ra. Hết năm lớp 11, sau khi thi Tú tài bán phần, trường không đủ sĩ số học sinh để mở lớp 12 ban B nên chúng tôi ai muốn học phải qua trường nam trung học Pleiku. Tôi buộc lòng phải đổi qua ban A vì không muốn rời trường. Và những trò nghịch phá được bọn ban B chúng tôi truyền qua lớp 12 A; nạn nhân trực tiếp của chúng tôi là ông thầy dạy Triết trẻ măng mới ra trường. Cái trò vân vê tà áo, mắt chớp chớp nhìn vào thầy, trả lời thật nhỏ làm thầy cứ bối rối. Kết quả là đứa nào cũng nhận mười sáu điểm ngon ơ mỗi lần lên trả bài.

    Thành phố Pleiku, ngày tôi rời xa để đi học nội trú tại Viện đại học Đà-Lạt, tuy không lớn nhưng đã có sự phát triển đầy đủ. Con đường phố chính Hoàng Diệu buôn bán tấp nập, người tứ phương về đấy lập nghiệp cũng đông. Mười bảy tuổi, với tâm trạng náo nức bước vào cuộc đời mới, trong tôi là một thoáng bâng khuâng:

“Đường tím ngây thơ vụng tuổi đời,
Mỗi chiều tan học lá buông rơi
Nép bên rèm cửa em tìm kiếm
A! rồi bắt được lá chơi vơi...”

Bài thơ tôi yêu thích từ năm mười bốn trở lại với tôi như một âm hưởng của một thời là nữ sinh áo trắng.

     Tôi học nội trú ở Đà-Lạt được ba năm. Mỗi mùa hè tôi về thăm nhà độ một tuần rồi lại lấy vé máy bay đi Sài-Gòn lấy cours chuẩn bị thi kỳ hai, tôi vừa học ở Đà-Lạt, vừa học thêm ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Những năm tháng ấy, phần lớn thời gian tôi ở nội trú Kiêm Ái, Đà-Lạt. Khu nội trú với bốn dãy nhà nằm riêng biệt, khá nổi tiếng với hai con chó bẹt-giê lớn. Cửa sổ phòng của tôi có cành đào bắc ngang. Mỗi độ xuân về màu hồng ánh lên khung kính; mỗi lần tôi đẩy cửa kính lại có mùi thơm nhè nhẹ thoảng qua. Bốn mươi cô gái đến từ khắp miền của đất nước, cùng học, cùng chơi, cùng nghịch phá, tuy rằng các cô học những phân khoa khác nhau. Và mỗi cô có những điều thầm kín riêng tư, đủ để cuối tuần hay giữa đêm khuya rúc vào chăn nhau thì thầm tâm sự, dù việc ngủ giường bị cấm thành điều lệ ghi trên bảng thông báo. Ba phần tư chỉ là những tình yêu qua ánh mắt, nụ cười, rồi chẳng đi đến đâu.

     Núi đồi Đà-Lạt quá đẹp, những thảm cỏ xanh ngút ngàn, những cành hoa luôn khoe sắc, tâm hồn của những cô gái sống ở Đà-Lạt cũng trải rộng . Khu Viện Đại học Đà-Lạt có cảnh trí đầy màu sắc, có nhà nguyện Năng- Tĩnh để mỗi sáng, mỗi tối Chúa nghe lời thì thầm khấn nguyện, và Chúa cũng sẵn sàng tha thứ cho những cô bé “lỡ dại” tiếp nhận nụ hôn đầu đời. Dòng suối nhỏ với cây cầu Kiều cong vắt vẻo bên cạnh giảng đường Thụ-Nhân luôn luôn có hình bóng của vài cô bé ngồi ở đầu nguồn ngắt từng cánh hoa ngũ sắc miệng thì thầm “yêu, một it́, nhiều, không yêu..”. Trò bói toán thả những cánh hoa trôi theo giòng nước có lẽ xuất hiện từ thời bà Eva biết có Adam là người khác phái. Đúng hay sai không ai biết được, nhưng đêm về trong khu nội trú cũng có tiếng khóc thầm từ một căn phòng nào đó. Mùa thi, tất cả cửa sổ các phòng đều sáng ánh đèn suốt đêm. Có cô ăn cơm tối xong là học đến bốn giờ sáng, có cô ngủ rồi thức lúc hai giờ sáng và học cho đến giờ đi học. Tất cả tạm dừng những buổi hát hò, những buổi kê gối đắp chăn giả vờ ngủ, trốn Soeur đi nhảy hay ngồi uống café nói dóc ở quán Lục Huyền Cầm của cặp nghệ sĩ Lê Uyên Phương. Con gái nội trú đáng yêu là ở chỗ đấy, vô cùng nghịch phá, mê đi chơi, nhưng cuối năm những cái học bạ cũng làm hài lòng những bậc sinh thành khó tính nhất.

     Cuối niên khóa thứ ba, qua những dịp tôi về thăm nhà ngắn ngủi, hình ảnh của tôi lọt vào mắt của một chàng trai, qua sự mai mối của bạn bè bố tôi. Bố tôi khuyên tôi lấy chồng. Mãi đến tận bây giờ tôi cũng chẳng hiểu mình có yêu chồng hay không! Tôi thương bố tôi, dù rằng ông với tôi khắc khẩ̉u; chỉ cần hai bố con nói chuyện độ nửa tiếng là có tiếng hét của bố tôi, hoặc bà vú hoặc mẹ tôi can thiệp để tôi chuồn mất. Bố tôi lo cho tôi từng chút. Mỗi đầu niên khóa ông luôn hỏi ý xem tôi muốn bao vở màu gì, mua cặp sách ra sao, ông tự lo cho tôi tất cả. Những ngày tôi học ở Đà-Lạt, cứ vài tuần ông lại đi trực thăng lên thăm tôi, với những thức ăn mà tôi thích. Ông tự tay quay gà, luộc trứng hay đi đặt mua café, bánh cho đúng ý tôi. Tất cả những thứ ấy được hơn mười đứa con gái trong dãy tôi ở thanh toán không đầy nửa tiếng.

     Tôi có hai cô bạn thân ở cùng xứ, học với tôi từ hồi tiểu học rồi chung đại học. Cha mẹ chúng đều là nhà buôn nên có bao giờ rảnh để đi thăm. Bố tôi đại diện cho cha mẹ chúng, lo cho tất cả. Vậy là ba đứa chúng tôi có bố chung, mỗi lần lên thăm phân phát quà xong, ông lại kéo chúng tôi xuống phố ( gọi là “xuống” bởi trường chúng tôi ở trên đồi dốc cao) hỏi xem thích gì để dẫn đi mua. Thường thì chúng tôi hay dẫn ông đến tiệm may để trả tiền quần áo trước khi bốn bố con lang thang uống café hay ăn uống gì. Quá café Tùng hay Vọng Nguyệt Lầu thường là nơi chúng dừng chân để nghe bố tôi “xạc” về tội tiêu hoang phí. Mọi chuyện rồi đâu cũng vào đấy, các bậc cha mẹ cứ làm bổn phận là chi tiền và các cô con gái cứ tiếp tục tiêu tiền vô tội vạ. Chiều tối, bố tôi ngồi trên trực thăng đậu trên bờ Hồ Xuân Hương còn cố nói thêm một câu dọa, ba đứa chúng tôi cười toe giơ tay vẫy. Bố tôi học trường Tây, ông sống ở nước ngoài cũng nhiều nên ông cư xử rất thoải mái và lịch sự. Ông cũng lại rất khó tính kiểu các ông bố cổ Việt Nam. Qui định cuả ông về cách ăn mặc cho cô con gái là chỉ mặc đầm trên đầu gối mười phân, cổ áo chỉ được hở vừa phải, và nhất là không được phép đi chơi riêng với bạn trai. Dù nhà có nhiều người làm, mỗi khi mẹ hay chúng tôi ốm, ông lo lắng và tự mình chăm sóc. Mỗi khi nổi lên phong trào ái mộ sách của nhà văn nào, ông tìm mua, đọc để tìm hiểu thêm về tuổi trẻ, và cụ thể là con gái ở thế hệ này suy nghĩ ra sao. Ông là ông bố tốt, dễ thương nhưng đầy đàn ông tính; bởi vậy mà bà mẹ của một cô bạn thân tôi yêu thầm ông hằng hơn hai mươi năm. Mãi đến ngày bà gần mất, cô bạn tôi thì ở xa, tôi tới lui chăm sòc bà mới hiểu được điều đấy. Tôi muốn nhắc lại rằng tôi thương bố tôi, cho nên tôi bằng lòng lấy người đàn ông tôi không có thời gian hiểu rõ, cho bố tôi vui lòng. Thực tình trong ý nghĩ của con bé mười chín tuổi là tôi, có lẽ là “bố tôi lấy chồng”, và có thế nào thì bắt đền bố. Tôi không hiểu sao thế hệ của tôi lại ngây thơ vô cùng. Cả tôi và lũ bạn chỉ hiểu lấy chồng là làm đám cưới với một người đàn ông; còn sau chữ “chồng” là muôn ngàn vấn đề phức tạp chúng tôi không cần biết.

     Tết năm ấy tôi về làm đám cưới, các soeurs bùi ngùi tiễn đưa, lũ bạn cùng dãy hết đứa này lại đến đứa khác đến khóc, chưa kể ngoài phòng khách, anh chàng đóng vai Sơn Ca cặp với tôi trong vở “Thành Các Tư Hãn” của thầy Vũ Khắc Hoan ngồi ỳ cả mấy ngày. Anh chàng có khuôn mặt hơi rỗ nhưng giọng nói rất ấm, lên sân khấu sau khi hóa trang đã làm biết bao trái tim thiếu nữ rung động. Ngày chúng tôi đem hai vở kịch “Thành Các Tư Hãn” và “Ga Xép” về Đại học Vạn Hạnh trình diễn, sau khi màn khép, bao nhiêu cô vây quanh chàng; còn “Công Chúa Tây Hạ” là tôi thì mau mau chùi son phấn rồi cặp tay với một “tỳ nữ” qua chợ Trương Minh Giảng kiếm hàng quà. Tôi cũng thoáng cảm động khi chia tay, còn anh chàng thì sau đó tôi nghe được học bổng của Roma đi học kịch nghệ tại Pháp. Tôi giã biệt những người bạn trai với một thoáng buồn. Tôi mến tất cả nhưng chưa yêu ai:

“Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng ......”

     Giã biệt những đồi thông, giã biệt Đồi Cù, giã biệt Lang Bian, Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, thác Prenn....Bó hoa forget-me-not được mọi người ghép vào chùm hồng vàng trao cho tôi giờ cuối ở phi trường Liên Khương được tôi ép vào sách và theo tôi đến ngày tôi đi Mỹ.

    Tôi lấy chồng được hơn một tháng, ăn với chồng một cái Tết, thì Buôn Mê Thuộc thất thủ. Tôi đưa mẹ và các em về Sài-Gòn. Bố và chồng tôi theo Bộ Tư Lệnh ra Nha-Trang; rồi liên tiếp hết thành phố này đến tỉnh khác mất. Những hình ảnh của cuộc chiến “nồi da xáo thịt” hiện ra tới tấp trước mắt mọi người liên tiếp trong thời gian ngắn. Bố và chồng tôi trở về Sài-Gòn trước ngày 30 tháng 4 độ mười ngày. Bố tôi sắp xếp cho tôi đưa mẹ và các em rời Việt-Nam—ngày đó mẹ tôi bị Parkinson không tự đi đứng được. Ông tính sẽ tìm cách đi với chồng tôi sau.

    Chồng tôi không chịu rời Việt Nam. Sau này tôi mới biết gia đình chồng tôi đã liên lạc với người con gái lớn làm việc cho Cộng sản qua đường dây ở nước Pháp. Tôi phân vân không lẽ bỏ chồng, đạo lý Khổng Mạnh đè nặng. Bố tôi không dám hối thúc tôi. Nấn ná rồi cả nhà cùng ở lại. Ngày Việt Cộng đổi tên thành phố Sài-Gòn cũng là ngày gia đình tôi kể như vĩnh viễn chia tay với bố tôi. Ông “học tập” ngoài Bắc. Tôi đi thăm Bố đượclần thứ nhất, đến lần thứ nhì ra thăm thì bạn bè của bố tôi nhắn tin là ông đã mất. Tôi trở về nhà để báo cho những đứa em. Mấy chị em giấu diếm những vật dụng còn lại của bố mà tôi đã đem về, rồi vài ba tháng viết một lá thư bỏ qua bưu điện, đóng kịch đọc cho mẹ tôi nghe. Nhưng kịch cuộc đời khác xa sân khấu, suốt đời chưa có vai kịch nào tôi đóng dở như thế. Mẹ tôi, với linh cảm của một người vợ, cảm nhận được sự mất mát dù rằng bà chỉ nằm trên gường bệnh. Mẹ tôi cũng xót xa đóng kịch với bầy con. Bà cũng giả vờ tin. Nhưng cũng chỉ được độ hai năm, bà không còn chịu đựng được. Một buổi trưa bà đột nhiên hỏi tôi, “Bố mất có nhắn lại gì không?”. Tôi nhìn sững bà nghẹn nào không sao thốt nên lời.

     Ngày chồng tôi đi “học tập”, tôi đã có thai, nhưng những biến cố dồn dập làm cho tôi không còn tâm trí gì để quan tâm đến sự khác lạ của cơ thể mình. Tôi tiếp tục nhập vào đại học Thành phố học tiếp năm cuối. Thằng bé con tôi, ngay từ trong bụng mẹ đã tiếp nhận những cú sốc lớn trong cuộc đời, nhưng nó vẫn hình thành và lớn lên. Tôi còn nhớ những ngày tôi bế con đi đi, lại lại trong nhà vì thằng bé sốt, trên tay là quyển vở học thi cuối khóa. Ngày ra trường, tôi cố tìm đủ mọi cách được dạy ở Vũng Tàu để tìm cách vượt biên. Bao nhiêu lần ôm con xuống tầu rồi lại bước lên—ai đi nuôi bố tôi, chồng tôi? Ai chăm sóc cho mẹ tôi? Tôi lại xin chuyển về Saì-Gòn dạy cho gần nhà. Chồng tôi sau ba năm trong trại chờ đợi sự bảo lãnh của người chị, thất vọng, trốn trại rồi bị bắn chết. Tôi tiếp nhận tin này với cảm giác tê cứng, không còn nước mắt để khóc? Con tôi chưa hề biết mặt cha. Tôi cố gắng đi dạy thêm vài năm rồi cũng đành xin nghỉ để đi làm. Phải cố kiếm tiền trả cho bọn người đã giết những người thân của mình để lấy cái giấy chứng tử, cho em mình, cho con mình có cái lý lịch rõ rành, minh bạch.

     Sau 1975, có lẽ những ngày mẹ tôi và tôi sợ nhất là Tết. Đêm giao thừa, mở TV nghe tiếng “Bác Hồ” bắt đầu chúc Tết là tôi lại cắn răng úp mặt vào gối mà khóc. Giường bên cạnh cũng có tiếng khóc của mẹ tôi. Cả hai mẹ con, người này sợ người kia biết nên cố kềm tiếng nức nở. Mẹ tôi mất trước ngày tôi đi Mỹ được hai năm. Đêm mẹ tôi mất, tôi vẫn ngủ cạnh giường của bà nhưng không hề biết. Suốt cả ngày tôi đạp xe lang thang khắp các chợ bỏ mối hàng, nên ngủ mê mệt. Buổi sáng thức dậy tôi hỏi chuyện mẹ nhưng không nghe tiếng bà trả lời mới biết bà đã ra đi. Thân thể bà gầy đét vì bệnh liệt không di chuyển được và bà ăn rất ít. Tôi biết sức sống tiềm tàng trong bà rất mãnh liệt. Bà chỉ cố sống vì các con. Bà như một cái cột cho các con dựa vào về mặt tinh thần.

     Bố tôi chết, chồng tôi chết nhưng tôi chỉ là người chuyển tin tức. Mẹ tôi chết, chính tay tôi tắm rửa, tẩm liệm cho bà. Tôi thẩy nắm đất đầu tiên lên quan tài của bà, tôi cắm những cành hoa chung quanh mộ của bà. Tôi chôn bà như chôn chính cuộc đời của tôi. Mẹ tôi đã chuyền cho tôi sức mạnh để đứng vững trước bão táp của cuộc đời, một mình nuôi dạy con.

     Tôi đến Mỹ vào những ngày trời bắt đầu nắng. Tôi chưa quen thuộc bất cứ điều gì ở nước Mỹ. Dòng xe cộ đông đúc ngược xuôi trên đường còn làm cho tôi chóng cả mặt. Nhưng tôi đã làm quen với sự rung chuyển của mặt đất lúc chuyển mình. Trận động đất lớn xảy ra hất tôi xuống giường làm choàng tỉnh cơn mộng của tôi. Giấc mơ với tiếng súng, tiếng bom xảy ra cách nhà tôi một khoảng sân rộng của năm Tết Mậu Thân. Hình ảnh của bố tôi nai nịt súng ống cùng mấy người lính cố tìm cách đưa gia đình tôi rời khỏi nơi giao tranh, và ánh sáng lóe lên cùng với tiếng nổ ngay trên đầu bố tôi cũng là lúc tôi tỉnh giấc. Đứa con tôi lay lay người tôi hỏi “Có sao không mẹ?” mới đưa tôi về hiện tại. Tuần lễ đó ở Cali sao nhiều trận động đất. Có lần khoảng bốn giờ sáng tôi cũng đang mơ mình mặc áo đầm vàng, ngồi trên xích đu, mẹ tôi đứng cạnh đu đưa nhè nhẹ... con trai tôi lay tôi dậy báo cho biết có trận động đất nhẹ, “Mẹ cẩn thận đừng ngủ say quá”.

     Thời gian đầu đến Mỹ, giấc ngủ của tôi lúc nào cũng đầy mộng mị; những khuôn mặt của gia đình tôi đi vào giấc ngủ của tôi. Không bao giờ tôi mơ thấy chồng tôi. Đôi khi lấy làm lạ, tôi tự suy gẫm. Có lẽ thời kỳ tôi lấy chồng là bắt đầu một đời sống khác của tôi, một đời sống với đầy lo âu, thất vọng và đầy nước mắt, cho nên tiềm thức của tôi chối bỏ (?!!)

     Bố tôi luôn dạy tôi khi tôi còn bé là lúc nào cũng lạc quan, dù cuộc đời có bị vùi dập. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cục gạch đè lên bụi cỏ, rồi cỏ vẫn tìm cách len lỏi mọc ra ngoài rìa. Tôi vẫn rán vươn lên để mà sống, để lo cho con. Ngày đầu bước chân vào trường Golden West tôi gặp lại chị bạn cũ. Chị nhìn tôi lắc đầu, không làm sao nhận ra tôi của ngày xưa nếu không nhớ ánh mắt nhìn của tôi. Những ngày xưa đã lùi thật xa, tôi tưởng chừng ở một quá vãng xa xăm ngào đó. Tôi muốn nó nằm ngoài cuộc đời của tôi, nhưng sao nó vẫn đè nặng lên tôi. “Một ngày như mọi ngày”, đứa con tôi giờ đã bằng tuổi tôi ngày bước vào đại học, đã biết hỏi han, lo lắng cho mẹ. Ngày xưa tôi vẫn thích câu thơ trong truyệu Kiều của cụ Nguyễn Du “Mai sau dù có bao giờ...” Tôi đọc lại câu thơ này với một tiếng thở dài. “Tôi” vẫn “nhìn tôi trên vách” Tôi nhớ trong vở kịch “Ga Xép” nhân vật hồn ma của bà cụ già về lại dương gian ở năm 2000 lạc lõng, bơ vơ. Sao tôi có thể nhập vai được? Hay đó chính là tôi của ngày hôm qua, bây giờ, đi giữa cuộc sống như một bóng ma quá khứ?



Pm Nguyễn Thị Hương Minh
(Trích Ở Một Nơi Nào- Tuyển Tập,
Bùi Vĩnh Phúc biên soạn.
Thời Điểm xuất bản, 1994)