Một Lần Chợt Nghe Quê Quán Tôi Xưa


  Pm Nguyễn Hương Minh        



      T
iếng hót của những con chim sớm ở vùng Nam Cali bao giờ cũng gợi lên những cảm giác của sự yên bình. Những buổi sáng mùa thu, tiếng chim đánh thức Hạ lúc bầu trời còn mờ tối. Hạ có thói quen mở tung tất cả cửa sổ phòng mình để được hưởng cảm giác lâng lâng của tia nắng mai, của làn gió nhẹ buổi sáng hòa quyện với tiếng líu lo rộn ràng của nhiều loại chim. Đôi khi tiếng quang quác của vài chú quạ đen phá vỡ khung cảnh êm đềm ấy. Hạ nhíu mày, quay đi làm những công việc buổi sáng cuả mình. Những con quạ đen ở đất nước này rất là hiền lành và chỉ ăn những thứ người ta ném ra để nuôi chim, nhưng không làm sao Hạ xoá được ác cảm với lũ ấy.

      Trong mờ ảo của sương sớm, những cây Tùng như sẫm màu hơn. Chúng đứng im lìm thẳng đuột làm Hạ có cảm giác thân quen như những ngày còn sống ở quê nhà. Ở đó, trong những buổi sáng dày đặc sương như hôm nay, Hạ thức sớm, rời khu nội trú một mình đi giữa hai hàng cây tùng, Hạ thích thú với cảm giác lạnh từ từ thấm vào da thịt của mình. Hạ bước vào sinh viên vụ mua một cái croissant, một ly café sữa nóng ngồi nhấm nháp một mình bên khung cửa kính, đợi nắng lên mới đi đến giảng đường.

       Đặc điểm của Đà-Lạt là trời càng nắng, càng gió, thì thời tiết lại càng lạnh. Khu nội trú Kiêm Ái mà Hạ ở nằm dưới thấp của khuôn viên đại học. Nhiều buổi sáng Hạ bưng bữa điểm tâm ra ngồi trên gờ đá phía trước nhà thờ nhìn xuống nơi mình ở, và phóng tầm mắt nhìn thật xa cảnh trí chung quanh. Những ngôi nhà ngói đỏ nằm im lìm, mờ ảo trong giấc ngủ nướng của buổi sáng.

       Ngày Hạ còn bé sống ở vùng đất đỏ Pleiku, bố đã đoán ra tính tình cô con gái độc nhất của mình. Ông đã cố hướng Hạ vào những hoạt động xã hội thật sôi nổi, để tránh cho cô con gái những giây phút ngồi một mình mà mơ mộng viễn vông. Bố bảo “con gái mà lãng mạng lúc nào cũng khổ” Hạ vâng lời bố tuyệt đối. Hạ tham gia phong trào Hướng Đạo, phong trào du ca, thậm chí Hạ chọn học ban toán; nhưng cái đầu của Hạ không tuân theo lời bố. Hạ mê đọc sách, mê nghe nhạc đến độ quên ăn, quên ngủ. Hạ đắm hồn mình theo những bản tình ca đến độ bố đứng bên cạnh cũng không biết. Lúc bố xem xong vở kịch “Cô Gái Điên Giữa Kinh Thành” trong đấy Hạ đóng vai người vợ giả điên đi tìm chồng, cuối năm Hạ học lớp mười một, bố chỉ còn lắc đầu ngao ngán nói với mẹ “chẳng hiểu rồi cuộc đời con bé này ra sao”. Năm Hạ đậu xong Tú tài II Hạ định học Văn Khoa, bố mẹ khuyên Hạ học khoa học . Hạ về Sài-Gòn ghi danh nhưng chỉ độ một tháng Hạ kiếm đủ cớ để lên Đà-Lạt học. Bố mẹ cũng đành chấp nhận. Dù sao, những bậc cha mẹ cũng không yên trí khi ba cô con gái (Hạ và hai cô bạn cùng xứ) sống trong một ngôi nhà rộng thênh thang, không người lớn ở đất Sài-Gòn. Hạ giao điều kiện với bố ngoài chứng chỉ chính S.P.C.N. ở Viện Đại Học Đà-Lạt, bố cho phép Hạ học phụ chứng chỉ “Văn Chương Việt Nam” ở Đại học Văn Khoa Sài-Gòn.

       Trong lòng Hạ, mùa sương mù ẩm ướt của thành phố Pleiku kéo dài tận bầu trời Đà Lạt, và những cơn mưa dai dẳng vùng đất đỏ cao nguyên hình như trải rộng rơi cùng những cơn mưa phùn xứ Hoa Đào. Hạ mê và yêu thích ngay thành phố nhiều màu hoa này. Hạ có cảm giác thân quen khi vừa bước chân đến thành phố. Những con dốc thường là dài ngút ngàn. Những con dốc lên xuống đưa Hạ đến nhà nguyện lúc trời còn tối mịt, hay đưa Hạ đến giảng đường, phòng thí nghiệm. Bước chân Hạ thả dài theo những con dốc đến thư viện, về lại nội trú buổi tối sau giờ thực tập. Gió thổi bay khăn quàng cổ, tung mũ len làn rối tóc Hạ. Những lá cây rơi đầy trên tóc, trên áo Hạ. Tất cả, đã cùng Hạ thì thầm biết bao chuyện trong cuộc sống. Hạ thích đi giữa hai hàng Anh Đào hồng ánh giữa trưa rực nắng mỗi độ chớm xuân. Hạ mê say khám phá những cành hoa nở mỗi ngày. Hạ hít thở mùi hương của hoa, của lá. Hạ hái những đóa hoa Ngũ Sắc, ngắt từng cánh nút giọt mật ngọt đọng cuối đài hoa; hay thả rơi từng cánh hoa li ti theo dọc đường đi của mình. “...L’amour...un peu...beaucoup...Je n’aime pas...” Hạ bắt chước trò chơi của mấy chị lớn trong nội trú. Con bé mười bảy tuổi như Hạ chỉ giỏi đóng kịch chứ nào biết yêu là gì. Đôi khi Hạ còn đứng ở đầu dốc, rập theo một nhân vật nữ trong phim Pháp thả rơi từng chiếc lá vàng úa để gió cuốn bay xa, rồi thì thầm “Adieu”. Lẽ dĩ nhiên Hạ chỉ nghĩ đó là một trò chơi. Hình bóng của một người nào đó, trong tim Hạ mang một chút gì của chàng hoàng tử đã đáng thức nàng công chúa ngũ trong rừng, và một ít dáng dấp của tài tử Alain Delon. Hạ có vài người bạn trai khá thân; nhưng cũng chỉ đủ để khi gặp nhau, kể cho nhau nghe những chuyện trên trời, dưới đất. Có khi Hạ còn bày đặt làm “cố vấn ái tình”; sau đó, phải mở cặp cho “chàng” mượn tiền để dẫn “nàng” đi chơi

       Hạ thích cái không khí lạnh lẽo, vắng lặng của giảng đường Tri Nhất, Minh Thành vào buổi sáng, lúc sinh viên chỉ có lác đác vài người. Hạ tìm cái ghế sát góc phòng ngồi ôn bài một mình. Trong con người của Hạ là hai bản tính thật trái ngược nhau. Hạ có thể ngồi yên lặng hàng giờ để tưởng tượng, mơ mộng một mình, hiền, ngoan như một con mèo; và Hạ cũng có thể nghịch ngợm, phá phách như một thằng con trai, hay tụ tập bạn bè cười đùa cả ngày không biết mệt. Hạ lớn lên giữa một bầy em trai, và điều đó có lẽ ảnh hưởng không ít đến tính tình của Hạ. Hạ bướng bỉnh nhưng dễ tủi thân, chỉ cần một chuyện nhỏ gì đó cũng làm Hạ khóc được. Hạ cao ngạo nên không để rơi nước mắt trước mặt người khác, chỉ tìm một nơi vắng lặng lẽ khóc một mình.

       Những giờ thực tập ở phòng thí nghiệm thường là vào chiều tối. Hạ trở về nội trúc một mình, giữa những con đường vắng ngắt trong khuôn viên của viện. Thường hai bên đường có những rảnh sâu để thoát nước, ánh đèn chỗ tối, chỗ mờ tạo thành những khoảng tối âm u. Tiếng gót giày của Hạ tạo tiếng vang dội dài theo mặt đường, vẽ ra muôn ngàn bóng hình ma quái chung quanh Hạ. Hạ hát cho mình nghe để mong lấn át cảm giác sợ hãi. Mặc dù Hạ từng phủ tấm trải gường trắng lên người để nhát ma các bạn ở cùng dãy, Hạ vô cùng nhát. Mỗi lần gió thổi mạnh làm tắt điện, rồi sau đó bật lại, trong khu nội trú thường có tiếng thét thất thanh làm các soeurs không hiểu việc gì đã xảy ra. Đứa này làm ma dọa đứa kia rồi cả hai cùng tưởng mình gặp ma nên sợ hãi thét lên.

       Những giờ ở phòng thí nghiệm sinh vật thường gây ra những trận cười cố nén trong đám sinh viên. Sau khi mổ một con vật, lỡ tay cắt mất một bộ phận nào đó trong cơ thể. Đến giờ chấm điểm, không biết tìm đâu ra đành hỏi mượn lẫn nhau giữa đám sinh viên nam, nữ. Nhiều khi không sao gọi tên vật cần mượn ra được, ấp úng đến đỏ mặt cả người mượn lẫn người cho mượn. Sau đó mạnh ai nấy chạy ra hành lang mà cười vì sự ngây ngô của mình. Hạ rất ngại những giờ thực tập ở phòng địa chất. Anh chàng sinh viên năm cuối, phụ cho giáo sư, ngay từ buổi học đầu đã tỏ ra ân cần quá đáng với Hạ. Nhiều lúc đang chăm chú ghi notes, Hạ cảm nhận có tia nhìn chăm chú hướng về mình. Hạ thường luống cuống tìm đủ mọi cách tránh né. Hạ biết mình còn quá bé để dấn thân vào trò chơi tình cảm. Gần đến giờ tan lớp lúc nào Hạ cũng giả vờ tụm năm, tụm ba với bạn cùng lớp. Có bữa anh chàng theo Hạ về tận nội trú làm Hạ phải nhờ mấy cô bạn ở chung thay phiên nhau đón Hạ giờ tan lớp. Hạ nghĩ nếu tình yêu giống như tô bún bò ở chợ Đà-Lạt hay đĩa bánh bèo ở đập Đa Thiện thì hay biết mấy.

       Hạ mơ mộng trên mây nhưng sống rất trần tục. Hạ vô cùng mê ăn vặt. Trên bàn học của Hạ luôn có lọ kẹo. Những viên kẹo đủ mùi vị có giọt rượu ở giữa. Hạ thìch vị hơi nồng cay của rượu tan trong chất ngọt ngào của kẹo. Nhiều hôm trời mưa lạnh tối mịt, Hạ và vài người bạn cũng cố khoác áo mưa che dù xuống phố. Gió thổi ngược lên dốc tốc dù làm ướt tóc, ướt áo. Gió mưa như muốn hoà lại đẩy ngược mấy cô gái lên đồi. Sau cả tiếng đồng hồ lang thang đến tím ngắt môi má, cả bọn leo lên cái cầu thang gỗ chênh vênh của Vọng Nguyệt Lầu ngồi ăn xôi Xiêm, hoặc vào Café Tùng, Lục Huyền Cầm uống cacao sữa nóng. Sau đó ghé Vĩnh Chấn mua bánh mì baguette về nội trú, chia nhau nhâm nhi tiếp, để có sức mà... bày trò nghịch. Có tối không có việc gì làm, nghĩa là không đi tập hát, tập kịch, và vì chưa đến ngày thi để học bài gấp,cả dãy Hạ ở rủ nhau hoá trang dựng cảnh rước dâu thời xưa. Tùy theo óc tưởng tượng mà mỗi người tự hóa trang cho mình. Đám rước dâu kéo dài từ dãy lầu này đến dãy lầu khác, gây huyên náo đến độ các soeurs phải mắng. Các soeurs đẩy từ đứa một vào phòng ngủ, bắt lấy khăn lau ngay mấy bộ râu vẽ quái đản trên mặt.

       Thường khu nội trú rất yên lặng, ánh đèn trong phòng hắt lên khung cửa kính bóng dáng những cô gái chăm chỉ học bài hay làm việc. Con gái nội trú rất giỏi đan, móc. Từ những cái áo len đủ màu, đủ kiểu đến cái áo đầm móc cầu kỳ đều do các cô tự làm lấy. Thỉnh thoảng vào những đêm ánh trăng chiếu ngập không gian, màu sáng vàng huyền diệu gợi trong tâm hồn của những cô gái mới lớn những điều thầm kín không nói được thành lời. Từng nhóm hai, ba cô rủ nhau ôm đàn ra phía ngoài hoặc ngồi trên bãi cỏ đẫm sương, hoặc ngồi trên hành lang hát vu vơ. Tiếng hát, tiếng đàn nhiều khi kéo dài suốt đêm.

       Hạ thương và nhớ vô cùng dãy lầu Nhân Ái mình đã ở suốt thời gian dài của nội trú Kiêm Ái. Nhớ cây hoa Anh Đào nơi cửa sổ ph̀òng ngủ, nhớ thảm cỏ dốc xanh mướt điểm những nụ hoa vàng nho nhỏ. Những nụ hoa Sư Nha nhưng Hạ vẫn thích gọi là “Tiểu Cúc”.


“Mùa đông, mùa đông mây bay.
Sườn núi mây giăng bồng bềnh.
Mưa buồn, gió cuối mùa đông.
Mưa rơi hoa theo chin vàng nơi nơi.
Em ngồi bên song, hoa vàng rực rỡ
Em ơi! Em ơi!...”

       Hạ không sao nhớ được lời thơ đã được phổ nhạc là của ai đưa cho Hạ. Mỗi lần nhìn thấy cúc vàng, trong đầu Hạ lại vang lên âm hưởng của giòng nhạc. Ở một nơi nào thật sâu trong tâm hồn của Hạ, có màu vàng lung linh của hoa hồng, hoa glaieul trong nắng và màu vàng của tà áo dài Hạ trong gió. Mẹ yêu màu vàng và Hạ cũng lây ý thích của mẹ. Mẹ mặc áo dài gấm vàng ngày Tết, nụ cười của mẹ thắp sáng hạnh phúc trong lòng mấy bố con.

       Cali thời tiết bắt đầu lập đông, có những buổi sáng mặt trời mọc muộn, những cơn gió se lạnh, thời trang mùa lạnh xuất hiện lác đác trên đường phố. Cô bạn cùng phòng Hạ ngày nào cũng giở lịch ra tính ngày thi final, ngày sửa soạn hành lý. Cặp mắt cô sáng lấp lánh như ánh sao mỗi lần gạch bỏ thêm một tuần lễ. Cô chuẩn bị đưa đứa con gái một tuổi về thăm Việt-Nam. Tình yêu dù cách xa nửa vòng trái đất vẫn tiếp trợ cho cô nguồn sống mạnh mẽ. Cô sống rất tằn tiện, nhưng mỗi tháng nhìn hóa đơn tiền điện thoại của cô, Hạ thấy chóng cả mặt. Chuyện tình của cô với người chồng còn kẹt ở Việt-Nam đẹp như một câu chuyện cổ tích. Hạ biết, cũng như năm ngoái, Hạ sẽ có một khoảng trống thời gian của những ngày mùa Giáng Sinh và Tết. Những buổi tối đi làm về khuya chẳng có ai trò chuyện. Đôi khi Hạ thèm có một đứa con gái đến se sắt. Một đứa con gái sẽ chia xẻ với mẹ những cay đắng lẫn ngọt ngào của cuộc sống.

       Hạ cũng tìm được cho mình một khoảng không. Một chiếc xích đu bên hiên nhà kê cạnh những bụi hồng và cây thiên lý của căn nhà Hạ share phòng. Đó là khung trời dành riêng cho Hạ vào những đêm khuya, khi mọi người trong nhà yên giấc. Hạ tha hồ ngồi đó mà suy nghĩ mông lung. Bà chủ nhà, một người con gái Huế có giọng nói nhẹ như hơi thở, nhiều đêm đi nhảy về một, hai giờ sáng, cũng ghé ngồi với Hạ, “Đời sao chán rứa...Hạ hỉ?” Âm hưởng của lời nói nghe như có tiếng khóc ...Hạ yên lặng. “Đi chơi hay...yêu cho đỡ buồn đi Hạ.” Hạ không trả lời, ngước nhìn bầu trời. Trăng đã khuyết. Hạ nhìn trăng mỗi đêm, “trăng mười sáu, trăng mười bảy, trăng hai mươi và trăng...” Hạ nhủ thầm “Chẳng còn vầng trăng nào cho mình đâu, Hạ ơi!!...” Hạ cần lọn tóc ngắn của mình se se giữa hai ngón tay. Hạ đã cắt bỏ mái tóc dài được nuôi dưỡng suốt thời con gái. Hạ không muốn nhớ, phải chi tất cả đều chìm vào quên lãng.

“Có ai ngồi xõa tóc soi gương,
Cho tôi đứng kề bên như tâm ảnh...” (*)

       Hạ có khoảng tối của bầu trời. Hạ có khoảng trống của mảnh gương. Cali đã vào đông, có những cơn gió xoáy nào đang thổi...


Pm Nguyễn Thị Hương Minh
(Trích Ở Một Nơi Nào- Tuyển Tập,
Bùi Vĩnh Phúc biên soạn.
Thời Điểm xuất bản, 1994)


(*)Thơ Cao Thoại Châu