THƯ NGỎ GỬI BẠN LÀM NGÀNH GIÁO DỤC


  LÊ HOÀNG THUỴ VŨ        



Lời tựa: Thư này tôi gửi năm 2005 , mời quý vị xem để phần nào thông cảm cho con em mình nếu chúng học hành không đạt ý muốn của các bậc cha anh…


*Tự giới thiệu:
Tôi là người sống tại Pleiku từ năm 1961, bắt đầu học lớp 2 (hồi đó gọi là lớp tư) đến năm lớp 11 tại Pleiku, hồi đó Pleiku còn thiếu thầy cô nên tôi học lớp 12 tại Đà Lạt, năm 1978 tốt nghiệp đại học.Qua công việc, anh và tôi có gặp nhau nhiều lần trong các cuộc họp của Tỉnh, tuy vậy chưa có lần nào có dịp nói chuyện lâu quá 5 phút... vì vậy hôm nay xin gửi đến anh mấy dòng này, mong được anh quan tâm xem qua.

*Câu nói ưng ý nhất:
Tôi thấy câu nói sau đây rất có lý: “Làm thầy thuốc sai thì có thể hại 1 người , làm giáo dục sai có thể hại 1 thế hệ, làm văn hoá sai thì hại muôn đời!”... Tôi đọc được câu này lâu rồi nhưng không rõ là của ai?!.

*Chậm và không hiệu quả:
Khi một vị lãnh đạo cao cấp đọc báo cáo, tôi khoái nhất là có đọạn: “...ngày nay tiêu cực đã xâm nhập vào các ngành cao quí nhất trong xã hội là ngành y và ngành giáo dục..” - Khoái là phải, bởi vì tôi nghĩ: như vậy là ta đã thấy được chỗ yếu kém... Tuy nhiên, phải nói là những gì ta đã làm không đáp ứng được lòng mong ước của các bậc phụ huynh! Hình như ngành ta có những đổi thay chậm là vì sợ làm mạnh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người; chẳng hạn, việc dậy thêm, nếu ngăn chặn thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của không ít vị giáo viên mở lò dậy thêm tại nhà. Hoặc nếu bỏ thi các cấp sớm thì học sinh sẽ chẳng có em nào đi học thêm ngay từ các lớp đầu cấp 1. Vì vậy đành chịu cảnh :” có ưu điểm lớn nhất là biết nhận khuyết điểm, nhưng lại có khuyết điểm lớn nhất là nhận nhưng không sửa hoặc sửa rất chậm”!

*Sự bỏ thi các cấp chậm:
Như đã nói, tôi học lớp 2 tại Pleiku từ năm 1961, khi tôi học xong lớp năm (hồi đó gọi là lớp Nhất) thì người ta đã bỏ thi lấy bằng Tiểu học, do đó cuối năm tôi được cấp luôn chứng chỉ tạm thay bằng Tiểu học (mà tạm vĩnh viễn vì sau đó chẳng có ai cấp và lấy bằng Tiểu học để nộp xin việc cả); đến năm học 1968-1969 tôi học lớp 9 thì người ta đã bỏ tiếp cái bằng Trung học đệ nhất cấp từ 2 năm trước… Nói như vậy có nghĩa là từ khoảng năm 1964_1965 người ta đã bỏ thi tốt nghiệp cấp 1 (mà mãi năm ngoái năm kia gì đó, nghĩa là sau gần 40 năm nữa, ta mới bỏ!…, và tương tự, sau cũng ngần ấy năm đối với bằng phổ thông cơ sở! Thêm vào đó, trước kia họ đã tổ chức thi Tú Tài theo lối thi trắc nghiệm từ năm 1974 (do đó họ gọi đùa là Tú tài IBM, vì xuyên phiếu đưa vào máy tính IBM chấm điểm). Và năm nay ta mới chuẩn bị thi năm đầu tiên theo hình thức thi trắc nghiệm! (Về cái vụ thi trắc nghiệm thì tôi thấy cũng nên làm để giảm gánh nặng thi cử nhưng mà thi trắc nghiệm cả môn toán thì tôi cảm thấy thế nào ấy! Anh là người chuyên giải toán, là nhà toán học chắc anh biết cái thú và cái sáng tạo khi giải toán rồi).

*Các suy nghĩ về các vấn đề cụ thể:
1. Về việc dạy ngoại ngữ :Bây giờ ta đã gia nhập WTO tôi nghĩ cần đưa tiếng Anh vào dạy ngay từ lớp 1 và đội ngũ giáo viên phải có khả năng đó, phương pháp dạy phải cải tiến chứ như hiện tại, khi giao tiếp với đồng nghiệp người nước ngoài mà một số vị giáo sư của ta còn dùng “body language” là chính thì uể oải quá!
2. Các môn học hồi xưa trước 1975 tương đối hợp lý: cấp một có môn Đức Dục, cấp 2 có các môn: giáo dục công dân, môn nhạc, môn vẽ… Tôi thấy nếu ta chưa có thì nên nghiên cứu đưa vào.
3. Không nên có “vùng cấm” trong giáo dục, việc trường Quân chính tự tổ chức thi tốt nghiệp và kết quả đạt toàn 100% thể hiện điều đó. Tôi nghĩ, do hoàn cảnh nên có người phải học hệ Bổ túc văn hoá nhưng đã thi tốt nghiệp thì phải theo một mức chuẩn chung chứ không có giảm nhẹ đặc biệt như từ trước vẫn làm, bởi vì sau khi hợp thức hoá bằng tốt nghiệp phổ thông trung học xong, họ sẽ làm tiếp bằng đại học theo kiểu đó!
4. Hoan hô việc xoá bỏ độc quyền in và xuất bản sách giáo khoa, lợi lộc thì nhiều nhưng chất lượng nội dung lại quá kém, nhiều sai sót.
5. Về dạy thêm và học thêm: Tôi nghĩ cái thời mới ngay sau 1975, giáo viên trong lớp phát hiện trò nào kém thì tổ chức phụ đạo thêm không lấy tiền, cái hình ảnh đó nay không tìm thấy nữa! Bây giờ nó biến tướng thành việc “mua và bán”, học sinh gần như phải học gấp đôi thời gian đối với gần hết các môn học, tình trạng này phải chăng các thầy giảng dạy chưa hết trách nhiệm, dấu bí quyết để chỉ truyền trong các buổi dậy thêm, dẫn đến học sinh nào cũng phải làm đơn tự nguyện có nhu cầu học thêm gửi thầy làm “cái bùa” để chứng minh là học sinh và các bậc phụ huynh tự nguyện yêu cầu dạy thêm. Hồi trước thời tôi đi học, họ chỉ mở các lớp luyện thi Tú Tài, ai muốn học thì học, không theo học thì có thể mua sách toán, vật lý, hoá học… của nhiều tác giả khác nhau để tham khảo và giải bài tập thêm, ngoài số bài tập thầy cho trong lớp... như vậy khả năng tự học của học sinh rất tốt và cái gì đã biết là biết rất chắc, còn kiểu như hiện nay, học sinh học mất rất nhiều thời gian nhưng cái còn tồn lại trong đầu không có bao nhiêu. Chúng ta nói người xưa học từ chương, chỉ học thuộc lầu kinh sử v.v..., nhưng chính cái hậu quả chất lượng học sinh không cao, học sinh đi học mất nhiều thì giờ nhưng lại thu thập kiến thức không bao nhiêu, một phần là hậu quả của việc dậy thêm và học thêm tràn lan này! Hậu quả cũng tai hại không kém lối học từ chương kia vậy...; bởi vì làm toán mà thầy giải cho rồi thì còn gì là khó nữa! Cho nên, theo tôi, chỉ nên cho dạy thêm ở năm cuối cấp 3 và chỉ những môn quan trọng của từng phân ban một mà thôi. (Hoặc có nới thêm tí nữa là năm cuối cấp 2).
6. Về việc thi trắc nghiệm, theo tôi: chất lượng làm đề thi cực kỳ quan trọng, nếu không thì học sinh sẽ rớt oan vì đề sai, và nếu không chuẩn bị tốt cho họ tập quen cách thi này thì có khi rớt oan vì không biết cách thi chứ không phải do học kém!
7. Người ta kháo với nhau rằng, do nhiều nguyên nhân:nào là do có thời kỳ quy định xét chuyển thẳng vô Đại học qua thành tích học tập, nào là do phụ huynh muốn con mình được điểm đẹp v.v... cho nên có tình trạng ngay từ đầu năm học, một số giáo viên đã chuẩn bị sẵn một vài quyển sổ điểm để khi có nhu cầu thì cấp sổ với điểm tuyệt đẹp ngay... và dĩ nhiên đây là việc mua bán, nếu có như thế thật thì cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu cũng như ngăn chặn tiêu cực trong thi cử.
8. Về giáo dục Đại học cũng có vấn đề: Hình như mình làm ngược với nước ngoài! Bên họ mở rộng thoải mái đầu vào, không thi cử căng thẳng như mình (mà trước 1975 ở trong miền Nam cũng vậy, chỉ có một số trường phải thi tuyển, còn lại là ghi tên học thoải mái...), nhưng đầu ra cực kỳ khắt khe... Còn ở ta thì thi đầu vào căng thẳng và gần như ngành nào , trường nào cũng phải thi cả! Một số người gọi đùa là trường cấp 4 (tức là trên cấp 3) chứ không phải là Đại học cũng là do phương pháp giảng dạy và chất lượng đào tạo không cao. Việc này nói thêm vì ta sắp có trường Đại học Gia Lai. Có thể tôi không có thông tin, không hiểu biết hết nên nêu một số vấn đề không chính xác, không khách quan... nhưng dù sao cũng là thông tin để anh biết được về những gì mà mọi người quan tâm nhiều nhất. Cám ơn anh đã đọc .

Kính thư,
LÊ HOÀNG THUỴ VŨ

TB - Tôi sợ rằng trí nhớ của tôi nhớ không đúng, hoặc có thể hồi trước ai đó đã trích dẫn không chính xác...do đó, tôi đã tìm thử thì thấy có câu sau đây của Lão Tử:

"Làm thầy thuốc lầm thì giết một người,
Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ,
Làm chính trị lầm thì giết một nước,
Làm văn hoá lầm thì giết cả một đời".

Phải đọc cả mấy trăm câu mới tìm lại được, vậy là cái đoạn làm giáo dục sai lầm là do mình bắt chước Lão Tử mà tự bổ sung thêm vào! nhưng mà nghĩ lại nó cũng có thể gây hại đến mức ấy thật./.





More on: khng and thm
Site Powered by GoFTP FREE