QUÀ SÁNG PLEIKU, TẢN MẠN ĐÔI DÒNG:


  LÊ HOÀNG THUỴ VŨ        



LTG: Tôi không sành về ẩm thực ,lại càng không phải là nhà nghiên cứu về ẩm thực nên không có tham vọng viết hay về đề tài ăn uống, chỉ thấy sao viết vậy…



Các món quà sáng thay đổi biến tướng theo thời gian;theo từng vùng miền với tập quán ăn uống khác nhau, khí hậu khác nhau; theo hoàn cảnh kinh tế xã hội , và tất nhiên theo khẩu vị, theo cái “gu” của từng nhóm người, từng người …

*Ngày trước ,theo tôi nhớ , ở Pleiku cách đây ba, bốn chục năm đa số người dân Pleiku lúc đó mức sống chưa cao, sinh hoạt đơn giản, các vị quân nhân đã có câu lạc bộ trong doanh trại…bên ngoài dân sự khá nhiều lò bánh mì (Hai lò bánh mì Hương Hoa và Đô Thành hồi đó nổi tiếng đắt hàng) , các xe bánh mì thịt vỉa hè có mặt khắp nơi để đáp ứng món ăn sáng đơn giản, gọn nhẹ; người ta có thể vừa đi học vừa nhai ổ bánh mì thịt, hoặc mua đem đến nơi làm việc thong thả lấy “cơm tay cầm” ra chén….Đôi khi vào những buổi sáng tinh mơ đầy sương, mua vài ổ bánh mì vừa mới ra lò thơm phức, nóng hổi ..mà nhai thì cũng chẳng cần kẹp gìo, chả hay thịt nguội cũng vẫn ngon. Một đội ngũ bán bánh mì rong rải đi khắp nẻo rao bán từ sáng sớm nắng cũng như mưa. Đến mùa mưa bão của Pleiku, lại càng thấy sự tiện lợi của đội ngũ bán bánh mì rong này, ta chỉ cần đứng trong nhà gọi mua mấy ổ và vào bếp lấy hột gà làm đĩa ốp la hoặc lấy hột vịt làm đĩa trứng tráng là đã hoàn tất bữa ăn sáng vừa tiện, vừa nhanh, vừa rẻ.. .(nay thì hiếm khi tìm được tiếng rao bán bánh mì sáng , có lẽ đã mất hẳn !)
Tất nhiên cũng có những tiệm bán cà phê và điểm tâm nổi tiếng như : Tiệm Xuân Lợi (ngay sát tiệm Xuân Lợi là khu ăn khuya lộ thiên ,chuyên bán đêm cho khách đi xem xi nê Diệp Kính về..khu này cũng giống như khu ăn khuya ở đầu dốc Hoà Bình, ngã ba Duy Tân_Trương Minh Ký của Đà Lạt) , Tiệm Mỹ Tâm (Xuân Lợi và Mỹ Tâm đều ở trước nhà thờ Thăng Thiên, trên đường Quang Trung) .. nhưng sao lúc ấy trong ký ức tôi quà sáng trong tiệm chỉ gồm có : phở Bắc (bánh bằng sợi phở tươi), hủ tiếu (bánh phở là sợi phở khô, khi nấu phải nhúng lại vào thùng nước sôi), mì hoành thánh, và hủ tíu mì (tô vừa sợi hủ tíu ,vừa sợi mì trứng)…chưa thấy có cái món phở khô 2 tô như bây giờ ! (Mặc dù hồi nhỏ tôi sống ở xóm lò bún, nơi cung cấp gần như toàn bộ bún bán tại chợ Mới ..nhưng tôi vẫn cứ nghĩ bún bò, bún riêu...là loại quà dành cho các bà các cô, phải chăng do hồi đó họ hay bán bún bằng những gánh đi rong , ít có tiệm chuyên bán bún như bây giờ ?, xin được thứ lỗi nếu sai .)

*Thời bao cấp, kinh tế khó khăn , thu nhập của người dân chủ yếu là lương hoặc từ ruộng rẫy, thịt là mặt hàng phân phối theo tiêu chuẩn…, cả thị xã Pleiku chỉ có vài hiệu phở nổi tiếng; về phở nước thì có : phở Hoàng (với nước dùng trong , ngọt uy tín lâu năm), phở 48 (sau bị sút giảm kể từ khi ông chủ quán bị bệnh gan), phở Ngọc (đang đà làm ăn phát đạt thì có tin đồn rằng có người gặp ông chủ quán hay vào khoa Lao bệnh viện lấy thuốc !) …; về phở khô thì có phở khô Mỹ Vị (ban đầu tiệm này lâu lâu còn bán bánh mì cà ry dê ..), phở khô Á Đông (nay là phở Ngọc Sơn), cũng không thể không kể các tiệm hủ tiếu theo kiểu người Hoa là tiệm Đông Kinh (trên chợ mới) và tiệm Mỹ Tâm (nổi tiếng với món hủ tíu mì cà ri gà , hoặc vịt),mì hoành thánh ở bên hông cung Thiếu Nhi...; và các quán bún đông khách lúc bấy giờ là: Bún bò bà Điếc , bún bò bà Dinh (đều ở trên đường Nguyễn Văn Trỗi cả )..

*Nay thì đã khác trước nhiều lắm, quà sáng đa dạng hơn xưa nhiều : phở Hạnh nấu theo kiểu phở Bắc Hà Nội (ngay cạnh Cung Thiếu Nhi,bà chủ là chị Hạnh lớn, mở quán này sau khi nghỉ làm Hợp tác xã mành trúc Tiền Phong, thầy Lê Văn Lập đã từng làm chủ nhiệm HTX này) ; phở Nam Định (theo một số nhà nghiên cứu,phở Bắc có nguồn gốc từ Nam Định ) do một số người quê gốc ngoài Bắc vào thuê mặt bằng để bán ở nhiều nơi: trước cổng bệnh viện quân y 211, đầu đường Nguyễn Du cũng có, hoặc trên đường Phan Đình Phùng..; phở Hoàng vẫn còn duy trì phong cách cũ ; các con ông chủ tiệm phở 48 vẫn còn bán tại đường Lê Lợi với 2 tiệm : Phở 48 và phở Hạnh (là 2 chị em ); phở bò kho ở đừơng Cù Chính Lan (cái món này ngoài Hà Nội gọi là phở sốt vang , ban đầu tôi cứ nghĩ là phở có nước sốt bằng rượu vang , gọi ăn thử thì thấy giống phở bò kho trong Nam!!), phở bò viên Tàu Lý ở đường Trần Phú ( cũng có gánh phở bò viên khác ngon không kém phở Tàu Lý nhưng có điều không thể giải thích được là : hễ dọn về bán ở nhà tại mặt tiền đường Hoàng Văn Thụ , tức Võ Tánh cũ , hẳn hoi.….thì lại ít khách , vì thế mà chuyên bán về đêm tại trước Cung Văn Hoá Thiếu nhi Tỉnh !)

- Cũng không thể không nói đến Bún bò Huế đường Nguyễn Du ,ngay phía trước kho Bạc Tỉnh, bún bò Huế trên đường Nguyễn Đình Chiểu…các quán này do người gốc Huế bán nên mắm ruốc để nêm là ruốc Huế chính hiệu!; Riêng bún riêu giò của quán Chi trên đường Phan Đình Phùng (nguyên gốc là quán bà Tám Hổi ở đầu hẻm chợ nhỏ Lê Lợi) chuyên bán cho công nhân viên có nhu cầu ăn bữa xế chiều để cuối giờ tan việc buổi chiều là đã có thể đi chơi thể dục thể thao ngay!!

- Một món khác cũng có thực khách không ít , đó là Mì Quảng. Có thời gian gần như khu vực Nguyễn Đình Chiểu (gần khu Tạo tác , khu Tu bổ cũ) chuyên bán mì Quảng , nay có thêm 2 tiệm bán đông khách nữa là tiệm mì Quảng trên đường Hai Bà Trưng , phía đối diện Liên đoàn Lao động Tỉnh , và một tiệm khác trên đường Nguyễn Công Trứ (nguyên là gánh mì Quảng bán cho bạn hàng trong chợ Mới , khi Chợ Mới chưa được xây thành Trung Tâm thương mại...). Có điều cái nước nhân dùng để ăn mì Quảng ở xứ này , theo tôi , nó có vẻ lai lai với cái nước lèo ăn bún chứ chưa đạt cái “hồn” của mì Quảng chính gốc , vả lại ăn mì Quảng tại Pleiku, cái món rau sống ăn kèm hình như cũng không giống như rau sống ăn mì Quảng tại xứ Quảng !!!

-Những người răng yếu, tiêu hoá kém .. có thể xơi cháo lươn đường Hùng Vương, đối diện hiệu sách Thanh Niên cũng ngon, bổ không kém cháo lươn ngoài Quảng Trị , Nghệ An..; hoặc cháo lươn đầu đường Tăng Bạt Hổ, phía gần đường Lý Thái Tổ, nơi này các vị đi học tại chức trường “Đại Học 04 Lý Thái Tổ” hay ghé vào. Hoặc cũng có thể đến xơi cháo gà ở đường Cách Mạng , cách siêu thị Co.opMart vài trăm mét.

-Trẻ em, người già và người bệnh đã có cháo dinh dưỡng với một nồi cháo trắng dùng chung và mồi là thịt bằm, lươn, hải sản..tuỳ thích (xin mách nhỏ :có một tiệm cháo dinh dưỡng ngon, rất đắt khách, trên đường Duy Tân vô chợ Trung Tâm thương mại, do một cựu nữ sinh đệ thất ½ Pleime làm chủ ).

- Một kiểu ăn bình dân, rẻ tiền mà no bụng, lại có thể gọi kèm một xị rượu (theo kiểu “chào buổi sáng” của ngoài Bắc, cánh lái xe tải họ cho rằng điểm tâm sáng mà có thêm một cút rượu thì có vẻ tay lái “tròn trịa “ hơn , dẻo hơn!!) …, đó là món bánh hỏi lòng heo kèm theo tô cháo lòng cho ấm bụng ! Với cái món này, có một kiểu ăn khá ngộ đó là nhúng bánh hỏi vào tô cháo nóng, vừa làm cho bánh hỏi bớt nguội lạnh lại vừa làm cho tô cháo giảm bớt nóng xuống mức vừa ăn. Tuy nhiên, đa số ăn bánh hỏi với lòng heo riêng rồi mới ăn cháo sau... (Quán này bán rất sớm cho các lái xe đường trường , nằm trên đường Trường Chinh đi ra núi Hàm Rồng, đối diện doanh nghiệp Hoa Trang ). Cũng có một quán khác bán bán bánh hỏi, lòng heo, cháo lòng ở ngay cổng vào bến xe Lam Chợ Mới.

-Thinh thoảng , nếu trời không lạnh và muốn đổi món bằng món bánh cuốn Bắc có thể đến tiệm bánh cuốn Bắc của bà Thu, trước gánh đi bán rong nay già yếu nên mở quán ở đường Nguyễn văn Trỗi (tức Phó Đức Chính cũ,nơi này ngày xưa có cây bông đại thật to ) hoặc một tiệm khác, ngon không kém , ở phía đối diện trường Phạm Hồng Thái…Bánh cuốn Pleiku chỉ đơn giản kèm theo giò lụa, chả quế, hoặc thịt chà bông chứ không mỏng, dai và không có tinh dầu cá cuống pha trong nước chấm như ngoài Bắc…

- Điều đáng phàn nàn là chất lượng cái bánh mì Pleiku, nhẽ ra cuộc sống càng dễ chịu, đồng tiền kiếm được càng khá hơn xưa thì chất lượng cái bánh mì càng ngày càng ngon mới đúng , đằng này thì ngược lại !!.Ngày trước (ngay cả sau 1975 độ 2,3 năm), tôi nhớ hễ mỗi lần xe đò chạy ngang qua ngã tư Hàng Xanh, rất nhiều người mua bánh mì đem về Pleiku làm quà, mặc dù sau một ngày một đêm chịu cái nóng bức trên xe, cái bánh mì Sàigòn về đến Pleiku vẫn còn cái hương vị riêng , có thể ăn mà không cần nướng lại . Còn bánh mì Pleiku, lâu nay họ bỏ bột nở quá nhiều nên to mà nhẹ tênh, bóp vào bánh vỡ vụn ..mà ăn vào chả có hương vị gì (có khi lại có mùi gây gây của loại bơ rẻ tiền được phết thêm vào như là một kiểu bảo quản bánh ..). Cách đây không lâu , tiệm Tam Ba (gần cây xăng Caltex chợ mới , đối diện bến xe lam) đã cho ra loại bánh mì ba ghết , tuy chưa có thể sánh với bánh mì ba ghết của tiệm Vĩnh Chấn đầu dốc Hoà Bình Đà Lạt , nhưng cũng có thể xem là khá đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh và biến đổi của thời giá ,mặc dù giá bán một ổ bánh mì vẫn tăng nhưng chất lượng không còn giữ được nữa ,bánh mì của tiệm Tam Ba bây giờ không có gì khác với bánh mì xuất từ các lò bánh vô danh !! Không biết có phải vì chất lượng bánh mì như thế mà tại Pleiku nói riêng và tại Gialai nói chung , người ta không hay vào tiệm để ăn bánh mì xíu mại, bánh mì bò kho, bánh mì cà ry dê , bánh mì bò né ..như xưa ? (Tất nhiên có thể còn có nhiều lý do khác nữa ).

- Món quà sáng tiện lợi không kém bánh mì là xôi bán gần các trường học : xôi mặn , xôi đậu xanh , xôi lạp xưởng, xôi gà, xôi bắp (nhắc đến bắp, mùa mưa bão mà nhấm nháp một quả bắp non nướng thì thật tuyệt , dù rằng chưa cần phết thêm ít hành mỡ lên nó!!)…và đặc biệt là xôi khúc. Món xôi khúc này hiện nay tại nhà hàng sân vườn Thiên Thanh (đường xuống quán này ngay sát bên hông trường Phạm Hồng Thái, vợ chồng chủ quán , Lễ và Nhiệm là 2 cựu học sinh Minh Đức, ban đầu cách đây chục năm , đã đầu tư vào đây vài tỷ đồng. Nhà hàng này có lợi thế kinh doanh nhờ cảnh quan đẹp, lại có mấy bãi đậu xe hơi thoáng , rộng…Nhóm cựu học sinh MĐ thường họp mặt hàng năm ở nhà hàng này, vừa có hình họp mặt tháng 8/2008 post lên bên trang MĐ. ) có bán để ăn dằn bụng sau chầu nhậu chứ chẳng phải chỉ là món quà sáng nữa…Có điều món xôi bây giờ cần ăn nóng mới dẻo, để nguội ăn chán phèo vì nghe đâu họ trộn thêm gạo tẻ, mặt khác bây giờ không ai phơi thóc ngoài nắng nữa, gặt hái về đem sấy ngay nên gạo nếp gần như không còn dẻo như trứơc nữa!!!

- Cũng có kiểu ăn sáng bắt chước theo các đô thị lớn là : Ăn sáng tự chọn (buffet) (mà tôi hay gọi đùa là ăn “ bốc phét “) ở các khách sạn 2 sao , hoặc Tre Xanh Plaza. Kiểu ăn này, may ra các chàng thanh niên đang sức ăn mới ăn đủ mức “lấy lại vốn”, tuy các món tự chọn đa dạng thật đấy , nhưng vì không chuyên một món nào nên không thể có món nào là món nổi trội, điển hình được !! Vì thế kiểu ăn sáng tự chọn này phục vụ khách nghỉ tối tại khách sạn là chính , khách bên ngoài đến ăn có khi là để gặp bạn bè, tiếp khách cơ quan...


* Tuy nhiên, có vẻ phong trào xơi phở khô thắng thế, số tiệm bán phở khô khá nhiều, nơi nào cũng có …có thể vì dễ nấu và hợp với khẩu vị của người dân địa phương, cũng có thể vì dân ta có thói quen “theo phong trào”,theo số đông ? Hiện nay ,ở Ayunpa có phở khô bà Quến ngon và sạch sẽ, có một hương vị riêng hơi khác với Pleiku; ở Đắk Đoa cũng có 1 tiệm phở khô ăn được; ở Lagrai có phở khô của công ty thương mại giá rẻ bất ngờ; ở Kbang, tiệm bán phở khô ngay trung tâm thị trấn, nhưng đáng tiếc là tiệm này lại lấy nước lèo bán bún bò Huế làm thành tô nước lèo ăn phở khô nên mùi xả át mất đi cái hương vị riêng của phở khô !!; ở Chư Sê, ngay gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ đầu tiên trước khi vào trung tâm thị trấn, cũng có 2 qúan phở khô bán từ 5 giờ sáng cho các lái xe đường trường (nhưng cái quán ít khang trang hơn lại là quán ngon và đông khách hơn !) …nói chung ở Huyện nào trong tỉnh cũng có ít nhất 1 quán phở khô ăn tạm được. Còn ngay tại Pleiku thì nhiều không kể xuể: phở khô Ngọc Sơn đường Hùng Vương (cạnh rạp Thăng Long ngày trước),Phở khô Ngọc Linh đường Phan Bội Châu , Phở khô Hồng đường Nguyễn Văn Trỗi ( đường Phó Đức Chính xưa ), Phở khô Nữ đường Nguyễn Du ( đường Yersin cũ )..là những quán đặc trưng cho các trường phái phở khô và đang đông khách nhất Pleiku hiện nay.
Thiển ý của tôi , đã Phở nước thì nên ăn phở Bắc và là phở Bò mới ngon, còn phở khô 2-tô thì nên là phở khô gà mới đạt...tất nhiên còn tuỳ cái ý thích và khẩu vị, và cả sự kiêng cữ của riêng từng người nữa ( có người kiêng ăn thịt con bốn chân thì xơi phở gà ,lại có người kiêng ăn thịt gà , thì mời xơi phở bò.. chẳng sao cả !)_Mặt khác , tôi cho rằng cách ăn phở khô tại Gialai chẳng qua là biến tấu của cách ăn hủ tiếu hoặc hủ tíu mì theo kỉêu khô của người dân miệt miền Tây Nam bộ , hoặc người Hoa trong Chợ Lớn ..mà thôi!! (He,..No Comment !)

* Một hôm các bạn tôi( gồm 10 người ) ở Sài gòn ra , họ đề nghị không ăn sáng ở khách sạn mà ra ngoài ăn sáng. Tôi nghĩ mãi không biết nên đưa họ đến tiệm nào?, cuối cùng đành phải kể một danh sách để các vị khách lựa chọn: người đòi đi ăn bún bò Huế , người đề nghị đi ăn phở Bắc ( vì đang mùa lạnh nên 2 ý kiến này được đa số tán thành), tuy nhiên vị trưởng đoàn quyết định đi ăn “phở 2-tô “cho biết…; tôi dẫn đoàn đến Phở khô Ngọc Linh (chủ quán này , nghe đâu, trước kia từng đứng bếp cho quán phở khô Ngọc Sơn , sau này tách riêng ra ), nơi đang đắt khách nhất nhì Pleiku hiện nay. Lúc mọi thứ được đưa ra, tôi thao tác biểu diễn để các vị khách biết cách ăn , tuy nhiên liền đó có 3 vị trút toàn bộ chén nước lèo vào tô bánh phở !!! và xin thêm chén nước lèo nữa cho đủ ngập bánh phở ; 2 vị khác không dùng tương đen vì không quen và sợ cái vị chua của đậu tương ; còn lại 5 vị vui vẻ làm theo đúng “quy trình “ để ăn thử cho biết , vừa ăn họ vừa bình luận : “Nếu rưới nước mỡ vô không có nhân thịt mà đã có thể ăn sợi bánh phở với xì dầu thì có lẽ chủ quán phải dùng khá nhiều bột ngọt (MSG monosodium glutamate, mì chính)?, mà đã chắc là nước mỡ bằng dầu ăn thực vật chưa hay bằng mỡ heo cho rẻ ?, ăn kiểu này dễ bị cao mỡ máu lắm!!” (Cũng có lý , vì đã có lần tôi thấy phở khô người ta mua ở chợ về chưa kịp ăn , trời mùa lạnh đã làm đông cái túi nước mỡ kèm theo!!). Một vị khác hỏi :”Có lần nghe nói loại bánh phở này có phoóc môn nên lâu thiu , và ăn nó dai, không bị trương nhão ..có đúng không? “(quả thật tôi cũng không rõ, vì bẵng đi một dạo không còn nghe ai nói về thành phần phoóc môn được mua rẻ về để bảo quản sợi phở nữa !!, có điều vài năm trước , ngay sau khi bị ngành y tế phát hiện , hồi đó các quán đều tăng giá với lý do lấy bánh phở “sạch” từ Vifon Sàigòn về bán, nay thì chắc chắn vẫn là bánh phở làm tại Pleiku như cũ và giá hiện hành là 20 ngàn đồng một suất!!). Sau khi ăn xong cái món phở 2 tô, được xem như đặc sản của Gia Lai , chỉ có 50% các vị khách của tôi lịch sự khen “ngon đó chứ” !!! Kể ra ăn xong mà ..chết ngay thì quả thật là chưa hề có , nhưng bảo tác hại đến mức nào?.. thì ta đành phải nhờ các chuyên gia y tế vậy .
(Về kích cỡ tô phở cũng có điều đáng nói, một lần ra Hà Nội vào ăn phở ở quán Thìn bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi để ý thấy khách quen vào không cần gọi nhưng chủ quán bê ra loại tô bé , còn bưng cho mấy người chúng tôi loại tô to.. Ngồi gần bàn tôi là 1 ông cụ giọng Hà Nội chính hiệu , thấy tôi nói giọng Bắc ( mà đúng thế , nơi tôi sinh ra là đường Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang thật) nên ông ta chờ chúng tôi ăn xong mới nói chuyện làm quen và bảo : "Anh ạ , ngừơi ta gọi là quà sáng, đã là quà thì ăn cốt lót dạ chứ không phải ăn lấy no” .., thế hoá ra ông cụ phê bình chúng tôi là phàm ăn , " thực bất tri kỳ vị " ư ? Nhưng kể ra ngẫm nghĩ câu ông cụ nói cũng có cái lý của nó.Tất nhiên, không thể đem điều cụ dạy ra để áp dụng với công nhân công nghiệp, họ cần bữa sáng thật no để lấy sức cho một ngày làm việc vất vả _Và tôi lại chợt nghĩ ,phải chăng vì Pleiku là xứ lạnh và dân lao động nhiều nên cái món ăn nhiều chất mỡ, nhiều bánh phở,giàu chất dinh dưỡng .. như phở khô Gialai , trở nên phù hợp với giới bình dân lao động , sau đó lan rộng đến giới công nhân viên chức ??)

o0o


Xong đến mục uống, tôi cũng liệt kê : Trà cung đình và cà phê.. để các vị khách chọn, đa số chọn cà phê vì cà phê họ uống ở Sài gòn là một thứ nước đen đen tạm gọi là cà phê thôi …( Cách uống trà Cung Đình có lẽ mọi người chúng ta không ai còn lạ gì nữa : Cho một vài vị thuốc Bắc ,thường là các vị thuốc bổ, vào cái tách có nắp đậy,phía dưới là một nhúm trà khô, chế nước sôi vào và đậy nắp lại là xong, lúc uống có thể thêm ít đường phèn hay vài nhúm cỏ ngọt ,tuỳ ý .). Khi đã yên vị , nhắp 1 ngụm cà phê, đốt 1 điếu thuốc lá trên tay , vị trưởng đoàn đã từng đi đây đó nhiều nơi giao lưu, chậm rãi giải thích : “Sở dĩ không uống trà cung đình vì 2 lẽ : Lên xứ này với Ban Mê Thuột rõ ràng là phải uống cà phê, vả lại nghe nói trên này 6 tháng mùa mưa ẩm, nếu không có chất chống mốc thì làm sao các vị thuốc Bắc để chế trà uống không bị mốc?, uống kiểu này xem như uống cả “chất chống mốc” vào trong người ? “ (lại cũng có lý nốt).
Phải chăng vì thói quen , và theo số đông mà hàng ngày ta không mấy khi để ý đến những điều đó.Tất nhiên, nếu bảo :”Sống no hơn chết thèm” thì chẳng có gì phải bàn “No Table” _Có điều mời các bạn ở xa khi đến Pleiku cũng nên thử phở khô Gia Lai một lần cho biết!!

o0o


* Bài viết đã dài ,để kết thúc mời các bạn xả sú páp bằng chuyện vui “ Chán … phở khô ! ”: Một hôm Sếp bị quan bà chất vấn vì có quan hệ “mèo mỡ” lăng nhăng ! Sếp vắt óc suy nghĩ để tìm xem đứa nào dám mách với quan bà mà dạy cho nó một bài học.. Sau một đêm trằn trọc làm nhiều phép loại suy ,Sếp nghĩ chỉ có chú lái xe là có thể biết và mách lẻo. Sáng hôm sau , khi chỉ có 2 thầy trò trên xe, Sếp bảo:
- Lâu nay chú phục vụ anh quá chu đáo, hôm nay đến lượt anh quan tâm chiều chú. Bây giờ chú muốn ăn sáng ở đâu thì anh chiều theo chứ không phải thay đổi xoành xoạch theo ý anh nữa !
-Vâng, Sếp nói thế thì em đề nghị ta đi ăn phở khô vậy !
4 ngày liền Sếp toàn đòi vào tiệm phở khô, đến hôm cuối tuần thì chú lái xe ấp úng đề nghị đổi sang ăn thứ khác . Sếp ra hiệu không rẽ vào tiệm phở khô nữa rồi chậm rãi nói :
-Chú thấy đấy, chú xơi phở khô mới có 4 ngày liền mà đã đòi đổi món ... còn anh, từ khi quen chị chú mày lúc trường Pleime mới khai trương năm 67- 68 đến nay là 40 năm rồi mà chú mày lại không nghĩ là anh phải “ đổi món” sao ?!! ./.


Pleiku, 9-2008
LÊ HOÀNG THUỴ VŨ








What the world says about bnh and and also khng
Page transported by FREE Go FTP Program