PLEIKU, NHỮNG CON ĐỪONG, NHỮNG HÀNG CÂY


  LÊ HOÀNG THUỴ VŨ        



LTG: Tôi không có tài làm thơ mộng hoá những con đường có bóng râm rợp mát , chỉ viết lại như là những ghi nhận nhỏ!


*Đường ngắn nhất, đường bị lấp:
Ngày trước , có một cụ nhân viên phát thư của bưu điện đố chúng tôi : “ Con đường nào ngắn nhất Pleiku” , đưa thử tên vài con đường, đường nào cụ cũng lắc đầu bảo gần đúng!! Cuối cùng , đáp án là đường Phan Chu Trinh, cụ bảo con đường này chỉ có 2,3 số nhà, nó là đoạn từ cái nhà bây giờ là tiệm đồng hồ Đồng Tín (trước 1975, bên cạnh tiệm Mỹ Tâm còn là một khoảng trống chưa có nhà ), đến cái nhà làm kem quốc doanh,sát nhà ông Phan Đình Khen cũ (nay là tiệm điện thoạidi động Á Âu,cái góc đường phía bên kia rạp Diệp Kính ,đường Phan Chu Trinh bây giờ đổi tên là đường Quang Trung, vì nối tiếp theo chiều đi xuống của đường Quang Trung, còn phía rạp Diệp Kính thì lấy theo tên đường Lê Lợi theo chiều đi lên).
Lại có con đường Trần Quý Cáp, song song với đường Yersin (bây giờ là đường Nguyễn Du), nay chỉ còn là một con hẻm của đường Lê Lợi vì phía đầu đường bên đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Trần Hưng Đạo ) bị dãy nhà của Mặt trận Tổ quốc Tỉnh chắn lối. Có một con đường ít ai biết đến là đường Lãn Ông , khi nới rộng Bệnh viện đa khoa Tỉnh ( Dân Y viện cũ), con đường này bị mất vì nằm hoàn toàn trong khu vực của Bệnh viện , ngày trước nếu để ý ta có thể thấy tấm bảng tên đường đóng trên 1 thân cây thông ! Bây giờ toàn bộ khu Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ và khu nhà của cán bộ công nhân viên Bệnh viện (mà trước kia có dãy nhà là khu gia binh ) đã giải toả để làm Quãng trường thành phố ..chỗ này hiện nay khá đông người đến tập thể dục buổi sáng , và mùa hè là nơi lý tưởng để trẻ em (và cả người lớn nữa )..thả diều!

*Những hàng cây ven đường:
Ngày tôi còn bé , chiều chiều đứng từ ngã tư Phan Bội Châu –Hoàng Diệu nhìn lên trên hướng trường Nam Tiểu Học , con đường Hoàng Diệu có vẻ rất dài và hun hút sâu, mới gần 5 giờ chiều mà đã có vẻ âm u do hai bên là hai hàng cây thông che rợp bóng…những con đường chính gần trung tâm như Trịnh Minh Thế , Hai Bà Trưng, Yersin, Quang Trung..v.v..đều râm mát , mà theo một số người, những hàng cây này góp phần giúp cho nhiệt độ ở khu vực xung quanh giảm đi 3,4 độ C. (Mà quả thế thật , hồi đó, ngay buổi trưa nằm nghỉ trong nhà mà vẫn thấy se se lạnh, buổi chiều mới quãng độ 4 giờ là có thể phải khoác thêm chiếc áo ấm nếu muốn ra ngoài…Sau này khi vào Sài gòn học và ngay cả bây giờ , một số người quen của tôi chưa từng ở Pleiku bao giờ , họ hay hỏi :Vũ Hữu Định có câu thơ “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” có đúng như vậy không? Thiển ý của tôi , thời đó thì quả có thế thật vì lúc đó cây cao bóng mát trong thị xã còn nhiều, rừng chưa bị khai thác vô tội vạ, chưa có hiện tượng ấm lên toàn cầu như hiện nay, và thêm nữa lúc ấy dân cư còn ít, đất rộng người thưa, nhà cửa phần lớn là nhà trệt cấp 4, chưa có nhiều nhà cao tầng như bây giờ … ).
Hồi đó, cái cây to nhất thị xã có lẽ là cây sung am bà (nay là chỗ giao nhau của đường Trần Phú nối dài sang đường Nguyễn Văn Trỗi với đường Trần Hưng Đạo), bóng cây sung phủ rợp mát một vùng và các bà các cô nghe đồn am này linh thiêng nên có người đi đến chỗ bắt đầu có bóng râm thì ngả nón xuống cho đến khi đi ra khỏi bóng mát của cây…(đằng sau am là cái giếng bơm lắc tay công cộng ,tạo công ăn việc làm cho những người gánh nước thuê vì hệ thống nước máy hồi bấy giờ chưa có !).Nay thì cái cây to nhất còn sót lại có lẽ là cái cây xanh ở đường Yersin cũ (nay là đường Nguyễn Du ,đoạn gần phía đường Lê Lợi).
Mượn lý do mở rộng đường và nhân đang lúc vật liệu chất đốt khan hiếm, người ta đã chặt đi khá nhiều cây thông gần trăm năm tuổi !!! Buổi sáng sớm, nếu đi tản bộ trên đường Hai Bà Trưng, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung …có thể thấy các cây “lâu năm” ngày trước vẫn còn nằm ở sâu bên trong vỉa hè , cách khá xa mép đường đã mở rộng xong, ta mới thấy việc chặt hạ những cây lâu năm ấy là do trình độ và tầm nhìn chứ chưa hẳn là do nó “mắc tội” vi phạm chỉ giới theo quy hoạch đô thị mới!!
Thêm vào đó , mỗi lần san ủi để làm lại đường xá, làm vỉa hè , làm nhà công sở ..người ta lại san phẳng đi làm cho đường xá bớt độ dốc hơn xưa, và lề đường không còn là những mô đất cao hơn mặt đường từ hơn nửa mét trở lên như địa hình vốn có của nó ban đầu. Ở Pleiku , ta không thể thấy những bậc cấp bằng đá dẫn lên các ngôi nhà, khu chợ như ở Sapa , Đà lạt ..có lẽ cũng vì lý do san bằng ủi phẳng này!
Sau khi khá nhìêu cây xanh "lâu năm " bị chặt hạ, cách đây hơn 10 năm công ty cây xanh và vệ sinh môi trường đem trồng các cây trứng cá, vài năm sau cây lớn lên có trái và lá rụng đầy , trẻ con trèo hái quả trứng cá ăn đã có cháu bị dính ruột , vả lại cây trứng cá rễ đi ngang không chịu nổi ảnh hưởng mưa bão ..thế là lại chặt hạ hàng loạt.
Người ta trồng thay thế các cây trứng cá bằng các cây bàng (không biết do các vị chức sắc học hỏi kinh nghiệm của tỉnh nào trong các đợt “tham quan học tập lẫn nhau“?), cây bằng lăng và cây hoa sữa (có lẽ thấy mùi hoa sữa được một bài hát ca tụng chăng?) ...để rồi vài năm sau, cứ đến gần tết âm lịch lá bàng rụng đầy đường , công nhân công ty vệ sinh hốt không xuể bèn vun thành đống và đốt khói mù mịt ngập trời. Gần đây công ty công trình đô thị đã bắt đầu chặt hạ gần hết các cây bàng , khiến cho con đường Hai Bà Trưng trở nên sáng sủa hẳn ra ….nghe đâu có vị có trách nhiệm nào đó đọc sách và đi tham quan đây đó thấy các nước họ không trồng cây trứng cá , cây bàng, và cây hoa sữa ..nên lại chặt cây bàng để trồng thông (ở vài con đường khác được trồng cây xà cừ cách đây vài ba năm , nay đã có bóng mát ) , thế là trên một vỉa hè mà có đến 3 ,4 hàng cây: hàng cây “cổ thụ” cũ, hàng cây bàng mới vừa chặt hạ còn gốc cao 3 mét và hàng cây thông (hoặc cây xà cừ ) mới trồng , đó là chưa kể hàng cột đèn đường, cột điện lực, và cột bưu điện chen chúc nhau!!!
Một lọai cây lâu năm khác nay cũng đã biến mất khỏi trung tâm thành phố có lẽ là cây bông gạo( đồng bào Tây nguyên gọi là hoa pơ lang, đồng bào miền núi ngoài Bắc gọi là hoa mộc miên ) , năm 1978 , khi quay về lại Pleiku, mỗi lần trời chuyển giông để chuẩn bị cho cơn mưa đầu mùa thì bông gạo bay khắp trời, kèm theo những bông như loa kèn màu đỏ tươi rụng đầy ..cái loại cây này trước kia có khá nhiều ở khu vực nhà máy nước (công ty cấp thoát nước bây giờ ), nó gắn liền với câu chuyện 1 ông cán bộ nhà máy nước thuê người chặt hạ cái cây bông gạo to nhất , nhóm thợ nhận làm nhưng chỉ xin ông chặt khai trương nhát rìu đầu tiên, phần còn lại họ sẽ làm tất, ông ta thực hiện theo yêu cầu, đến khi công việc đốn hạ cây hoàn tất, ông cởi trần nằm nghỉ trưa trên thân cây vừa hạ , lúc có người để ý xem lại thì ông đã “ra đi” êm ả vì bị “stroke” (đột quỵ). ..Nay đã lâu không còn thấy bông gạo bay mỗi khi giông chuyển mưa nữa , đơn giản là vì các cây bông gạo đã bị chặt hết rồi !!! (Câu chuyện về vụ chặt cây bông gạo nói trên là có thực , nhưng có lẽ chỉ là một sự trùng hợp hy hữu ; cũng giống như vụ cây phượng ở cổng trường Quang Trung (tiểu học tư thục Vĩnh Hưng ngày trước) bị trốc gốc mà đổ trong một hôm mưa bão đè chết một nữ sinh lớp 11 đang đứng chờ đón đứa em nhỏ sắp tan buổi học chiều !! _Người ta đã chặt hạ cây sung am bà , to lớn hơn cây gạo nói trên rất nhiều mà chả thấy ai…lăn đùng ra chết cả , mà cây sung này rõ ràng là phải linh thiêng hơn cái cây bông gạo kia, nếu xét về mặt tâm linh .He...No Comment !)
Và bây giờ là kế hoạch trồng vài ngàn cây thông cho toàn thành phố , các cây thông đã được 10 năm tuổi đang và sẽ được trồng ven đường nhưng số sống được chưa nhiều , vả lại vẫn còn những gốc cây bàng còn trơ ra đó , vỉa hè vẫn chưa thực sự đẹp mắt vì cây cối trồng chẳng ra hàng lối gì cả…
Tôi nghĩ ngày xưa , các con đường của Pleiku, mà nhất là đường Trịnh Minh Thế cũ (nay là đường Trần Hưng Đạo) cũng có cái vẻ đẹp tựa như con đường Duy Tân (xin được thông cảm nếu quá lời) trong bài hát “Trả lại em yêu “ của Phạm Duy: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát ...Ngày nay khó mà tìm lại được cái cảnh quan đó, cảm giác đó !!! cho dù bạn đi trên đúng con đường dẫn đến trường Trung học Pleime ngày trứơc...Cũng phải thôi!! vì hàng cây không còn nữa, các tà áo trắng cũng không còn, người cũ cũng chẳng còn...
Xin mượn mấy câu nhạc Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư để kết thúc :

-Hôm nay tình cờ,
Đi lại đường xưa ,đường xưa….
…………………..
-Nay trên đường này,
Đời như sóng nổi
Xoá bỏ vết người,
Chân người tìm nhau , tìm nhau...
…………………..
Đi quanh tìm hoài ,
Ai đem bụi đỏ đi rồi ?


Pleiku, 8/2008
LÊ HOÀNG THỤY VŨ






 

Read more about: bng and trng
Secure SFTP (SSH) on the planet FREE Go FTP