Gs nguyễn Đăng Dự
Tuyết lại đang rơi bên ngoài. Những nụ hoa tuyết trắng như bông gòn, nhỏ như những nụ hoa nhài, rơi mau như đang vội vã khoác cho những cành cây khô trụi lá xám xịt vì lạnh chiếc áo trắng mới để đón chào ngày đầu của năm 2009. Có những nụ hoa tuyết như không thấy đường lao đầu vào tấm kính cửa sổ, bám vào đó sằp xếp vôi vàng thành hình lục giác của tinh thể tuyết rồi tan thành những hạt nước li ti trước khi đông thành nước đá. Thỉnh thoảng một vài nụ hoa tuyết đang lãng đãng rơi tự nhiên đổi hướng đánh một vòng đến trước tầm mắt tôi rồi lại như e ấp thẹn thùng bay ngược ra ngoài rơi xuống nằm cùng với những nụ hoa tuyết khác.
Chiếc sân trước nhà tôi tuyết trắng đã phủ đầy, mặt hồ trưóc mặt đã đông thành đá và cũng đang được khoác chiếc áo trắng mùa đông. Mấy đứa bé nhà bên cạnh khoảng 9, 10 tuổi như không hề biết lạnh là gì đang cười đùa tập đi ski trên hồ vẽ thành những đường ngang dọc trên lớp tuyết dầy.
Tiếng hát ngọt ngào của Hòn-sỏi trong bài Buồn tàn thu hát tặng tôi vang lên trong căn phòng ấm cúng. Em hát rất hay, mấy hôm nay tôi đã nghe lại bài hát này nhiều lần. Trong lòng tôi như có một điều gì đó làm tôi xôn xao và bây giờ hình ảnh mầy đứa bé bỗng đưa tôi trở về với những tháng ngày xa xưa cách đây đã gần năm mươi bốn năm !
Niên khóa 1954-1955 sau khi di-cư từ Bắc vào Nam tôi học lớp Ba B tại trường Nam tiểu học Nha Trang. Thầy dậy lớp tôi tên Trần văn Ẩn có bộ râu cá chốt nên có biệt danh là “Ẩn cá chốt “ ( tôi viết nguyên tên ở đây vì thầy đã qua đời lâu lắm rối ). Thầy thường hay phạt học trò không thuộc bài hay nghịch phá bằng những cái tát vào mặt hoặc bằng những cú thước bảng gõ vào mu bàn tay. Nhìn những bạn cùng lớp mặt nhăn nhíu vì đau lòng tôi quặn lại xót xa như chính tôi bị phạt !.
Phản ứng chống lại duy nhất của đám học trò nhỏ chúng tôi thời đó là canh chừng cho nhau xì hết 2 bánh xe đạp của thầy để rồi sung sướng khúc khích cười với nhau nhìn thầy mình hì hục ngồi bơm 2 chiếc bánh xe, Mỗi lần có một đứa nào đó bị phạt bằng những cái tát đầy giận dữ vào mặt là tụi tôi lại tìm cách dùng đinh nhọn chọc thủng ít nhất 1 chiếc lốp. Nhóm chúng tôi 5 đứa đầu têu ra chuyện đó nên được cả lớp rất nể. Không biết có phải nhờ thế mà những giây phút giận dữ và hình phạt nặng nề sau đó đã bớt đi khá nhiều. Tuy nhiên những cơn giận dữ bất thường và vô cớ đã làm không khí lớp họclúc nào cũng đầy căng thẳng và ngột ngạt.
Tôi thủ thế bằng cách học bài rất kỹ nên không bao giờ bị phạt mà lại còn được thường xuyên cấp Bảng Danh-Dự của tháng nhưng với tôi cả một năm học cũng đã như là địa ngục. Mỗi buổi sáng thức dậy nhiều khi tôi chỉ muốn được ở nhà không phải đến trường. Mổi khi thầy thầy giở quyển sổ ra để kêu học trò lên dò bài là tim tôi lại thót lại và đánh lô tô !! Thế nhưng niên học rồi cũng đã trôi qua trong niềm vui mừng của tất cả chúng tôi.
Niên khoá 1955-1956 ngoại trừ 3 đứa bị ở lại lớp số còn lại được trở thành lớp Nhì B của trường. Thầy phụ trách lớp này từ lâu nay vẫn là một nam giáo chức nghe đồn khá nghiêm khắc nhưng tụi tôi nghĩ dù sao cũng đã là một giải thoát nên tôi và mấy đứa bạn đã trải qua một mùa hè thật là thú vị !
Hồi đó không có chuyện học thêm mùa hè, không có tivi và cũng không có những games điện tử như bây giờ. Cả ngày tôi và đám bạn 5 đứa ở ngoài đường chơi bi, đánh đáo ! Mùa hè cũng là mùa của chọi dế, bắn chim bằng ná dây thun, đá cá lia thia. Có nhiều khi tụi tôi đã bỏ ra cả ngày nhào năn đất sét thành những viên đạn bi rồi ngồi phơi khô dưới nắng. Có khi là những ngày đi vào sau nhà ga xe lửa lật từng tảng đá bắt dế trong cái nắng chang chang của buổi trưa hè.
Những khi đói bụng tụi tôi hay đi hái những trái me keo mọc theo những hàng rào. Đám me dọc theo chiếc tường vôi vàng của nhà thương Nguyễn-Huệ là nơi có nhiều trái nhất nhưng cũng là nơi trú ngụ của những con rắn lục xanh biếc, có một lần tôi vừa đưa chiếc sào lên chưa kịp móc vào trái me keo một chú rắn lục con đã rơi xuống cái độp trước mặt !
Ngày khai-trường đến đứa nào đứa nấy cháy đen như những cục than tụ tập trước cửa phòng học của lớp Nhì B, tôi còn nhớ đó là phòng học thứ hai của dẫy phòng học hình chữ H nhánh bên phải kể từ ngoài vào. Đang tíu tít kể cho mấy đứa bạn nghe chuyện bắn hụt con chim chào mào hôm trước tôi chợt nghe có tiếng “ lớp nhì b mô ? “ vang lên thật êm ái. Tôi quay lại và ngẩn người khi thấy một cô giáo khuôn mặt thật là thanh tú, mái tóc ngang vai đang đưa mắt nhìn tôi. Tôi buột miệng “ Cô dậy lớp nhì B hả cô ? “ , vừa nghe tiếng trả lời “ừ mấy em xếp hàng mau đi để cô cho vào lớp “ tôi nhẩy cẫng lên vì mừng trong tiếng hò reo vui sướng của cả lớp ! Tôi đứng trong hàng đưa mắt nhìn cô, dáng người cô thon gọn trong chiếc áo dài nền xanh nhạt điểm những nụ hoa li ti mầu hồng mầu vàng mầu trắng. Đôi mắt cô đen nhánh với hàng mi cong dài, đôi môi cô phơn phớt hồng với nút ruồi đen trên khoé miệng bên trái. Cả người cô như toát ra một vẻ đẹp thật dịu dàng. Trong ánh mắt của đứa bé gần 10 tuổi hồi đó của tôi cô là người đẹp nhất trên đời !
Vào lớp cô kể cho chúng tôi nghe là cô học trường Đồng Khánh, mới tốt nghiệp trường Sư-Phạm và sẽ dậy tụi tôi cho đến hết năm. Hàng chữ tên cô Công tằng Tôn nữ Từ-Uyển do cô viết trên bảng đen tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ, hàng chữ kéo dài gần hết chiếc bảng từ trái qua phải mà vẫn đều đặn và thẳng tắp !
Giờ ra chơi hôm đó tôi tung tăng trong sân khoe là lớp tôi có cô giáo đẹp nhất trường. Lúc tan trường cả đám tụi tôi lẽo đẽo theo cô ra tận đường chờ cô leo lên xích lô rồi mới chịu chia tay. Về nhà trong bữa cơm chiều tôi huyên thuyên kể về cô. Mẹ tôi khen tên cô lạ và đẹp. Tôi cũng thấy vậy.
Những giờ học với cô thật là thoải mái, cả lớp tôi như tìm được lại cái bản chất tuổi thơ nên lại bắt đầu ồn và phá phách mỗi khi cô quay lưng viết bài trên bảng ! Tôi thương cô thật nhiều nên ngồi thật im mất hẳn đi thói quen quậy phá trong lớp. Có nhiều khi tôi đã quay mặt lại quắc mắt đưa nắm đấm lên đe dọa cái xóm nhà lá ở cuối lớp đang ồn ào. Hồi đó tôi không thuộc loại lớn con nhưng đứa nào cũng sợ tính lì đòn của tôi ! Món nghề của tôi khi đánh nhau là chớp nhoáng dùng hết sức mình lao đầu vào bụng đối thủ cho nó té lăn đùng ra đất...!
Cô giảng bài thật hay. Nhiều khi cô đến từng đứa một để chỉ vẽ thật lâu mà không hề gắt gỏng. Cả một năm học tôi chưa thấy cô nổi giận lần nào ! Bài tập cô cho liên miên tại lớp. Hầu như mỗi ngày tụi tôi đều phụ đem những chồng vở bài tập ra tận xích lô cho cô. Ngược lại những bài tập làm ở nhà thì lại rất ít. Cô nói tuổi thơ của tụi tôi cần có thời gian chơi đùa. Năng khiếu về Toán của tôi đã phát triển từ năm đó,.Những bài toán đố, toán chạy tôi luôn luôn làm xong trước nhất nên mấy đứa bạn đã bắt đầu chọc tôi là học trò cưng của cô ! Một buổi chiều thứ bẩy trong giờ ra chơi, một đứa học lớp Nhì A vỗ vai tôi nói “ cô mày có nút ruồi tham ăn chắc phải tham ăn lắm, lêu lêu ! “ tôi nổi dóa xô nó ngay một cái thế là 2 đứa ôm vật nhau trên sân đất giữa tiếng reo hò cổ võ của cả bầy học trò chung quanh. Kết quả tôi trở về lớp với mặt mũi quần áo lấm lem và một cục u trên trán. Nhìn tôi cô hốt hoảng “ răng rứa !? răng rứa ? “, tôi im lặng. Mấy đứa trong lớp nhao nhao “ trò Quang chê cô nên trò Dự đánh trò Quang đó cô “ Cô rời khỏi bàn, lau mặt cho tôi bằng chiêc khăn mùi xoa trắng của cô rồi dẫn tôi về chỗ ngồi. Mùi thơm của chiếc khăn tay làm tôi như hết hẳn đau ! Chiều hôm đó trước khi bước lên xích- lô cô quay lại nói với tôi “ Mai sáng em tới thăm cô nghe, cô ở 23 đường Phước-Hải “. Mấy đứa bạn nhìn tôi với cặp mắt thèm thuồng ganh tị.
Tôi ở đường Huỳnh thúc Kháng nên không xa nhà cô lắm.Chủ nhật hôm đó chưa đầy 8 giờ sáng tôi đã có mặt ở cổng nhà cô. Nhìn ngôi nhà đồ sộ, 2 cánh cổng sắt nặng nề khép kín tôi sờ sợ không dám bấm chuông mà chỉ dám nhón chân ghé nhìn vào bên trong qua những hàng song sắt. Hình như cô cũng có ý chờ đợi tôi nên vừa lúc đó cô cũng mở cửa bước ra hàng hiên ánh mắt đưa về phía cổng.
Mở cổng cho tôi cô nắm lấy bàn tay tôi dẫn vào nhà, hai bên đường đi đỏ thắm những hoa. Từ lâu rồi mẹ tôi bận bịu với cái cửa tiệm không còn thì giờ chăm sóc đến tôi. Bàn tay tôi ấm trong tay cô như những ngày mẹ tôi còn nắm tay tôi dẫn tôi đi phố.Trên chiếc bàn nhỏ dưới giàn hoa giấy đã để sẵn 2 dĩa bánh quai vạc bột trong vắt thấy rõ những con tôm nằm cong mình đỏ au bên trong và một chai xá xị con cọp. Cô không ăn chỉ nhìn tôi ăn uống rồi buông một câu “ răng mà em thương cô giống như thằng Thiện chi lạ tề “ sau này tôi đưọc biết Thiện là em trai út của cô hiện đang ở Huế với ba má cô. Căn nhà cô đang ở là nhà của ông chú ruột em trai của ba cô.
Vườn sau của nhà đầy những cây ăn trái như đu đủ, sa bô chê, mãng cầu. Ở cuối góc vườn hai cây khế thật lớn chụm đầu vào nhau tạo thành một góc sân loang lổ một mầu nắng vàng. Gần trưa cục u trên đầu tôi như căng lên, người tôi nóng hừng hực, mặt đỏ bừng . Cô đặt tôi nằm trên chiếc võng mắc giữa hai cây khế cho tôi uống 2 viên thuốc gì đó rồi đắp trên trán tôi một chiếc khăn xếp lại nhiều lần tẩm nước lạnh ngắt. Những chùm hoa khế hồng nhạt, những tia nắng lấp lánh xuyên qua những chùm lá bỗng nhoè nhoẹt vào nhau. Tôi đã thiếp đi như vậy hình như lâu lắm. Khi tôi hé mắt nhịp võng vẫn đong đưa, những âm thanh cao vút đang tràn ngập không gian “ ..ai lướt đi ngoài sương gió không dừng chân đến em bẽ bàng...”. Tay cô vẫn đưa võng cho tôi nhưng mắt cô đang nhìn đâu đó thật xa vắng không hề thấy tôi đang hé mắt nhìn cô. Tôi nhắm mắt lại nghe cho hết bài hát .Chờ một lát vẫn không thấy động tĩnh tôi mở mắt thì đúng lúc cô đang đưa tay lên chùi hai hàng nước mắt. Thấy tôi nhìn, cô cười nói “ Cô nhớ mạ ! “. Sau này từ khi tôi bắt đầu biết bâng khuâng vì những tà áo trắng đôi khi tôi đã tự hỏi không biết là cô đã có trả lời thực cho tôi hay không !?
Cho đến cuối niên học, tuần nào tôi cũng gặp cô ít nhất một lần. Những khi có chuyện buồn tôi đều tới gặp cô. Những lúc đó đôi khi cô hát cho tôi nghe, đôi khi cô mở chiếcmáy hát dĩa hiệu Téléfunken cho hát những bài thật buồn rồi ngồi nghe chung với tôi không một lời hỏi hay khuyên bảo chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi. Điều này làm tôi thấy thật là thoải mái. Cô nói khi mình buồn phải nghe nhạc buồn cho nỗi buồn đi tới tận cùng thì sau đó mình mới đỡ buồn được.Tôi thấy cách làm vơi nỗi buồn của cô thật hay nên sau đó mỗi khi buồn bực chuyện gì hay trong lòng không được thoải mái tôi vẫn thường ngồi một mình nghe nhạc.
Bài Đêm tàn bến ngự cô hát hay nhất có thể vì cái giọng Huế của cô. Có những lúc tôi thèm được nghe cô hát nhưng cô nói “con chim hót hay vì nó chỉ hót khi nào nó thích “. Tôi cũng nhận thấy vậy vì nhiều khi tôi năn nỉ rồi cô chiều mà hát và quả tình là không hay bằng những khi cô tự nhiên cất lên tiếng hát.
Ngày khai trường niên-học1956-1957 cô không trở lại trường như đã hứa với tôi. Tới nhà hỏi thăm, chú của cô nói cô đã lập gia-đình và ở lại Huế không đi dậy nữa vì gia đình nhà chồng không muốn cô đi xa. Cho đến cả gần năm sau tôi vẫn tránh khúc đuờng Phước-Hải có ngôi nhà số 23 vì hờn cô đã không giữ lời hứa ! Đến khi hết hờn tôi trở lại nhà chú của cô để xin địa chỉ thì gia đình cũng đã dọn về Huế .
Năm mươi ba năm rồi tôi hoàn toàn không có tin tức của cô mặc dù đã hết sức tìm kiếm. Nhóm bạn 5 đứa của tôi : Lưu khương Đức ( Biệt Động Quân ) đã tử trận năm 1968 sau khi lập gia đình được 2 tháng, PXT ra khỏi trại cải-tạo gia-đình tan tác nay đang đi tu trong một ngôi chùa tại Bảo lộc. PKS, NXH sau những năm dài trong trại cải tạo nay cũng đang còn phải vất vả kiếm sống !
Tôi vẫn nhớ đến cô, ở cô tôi đã học được 2 điều mà tôi đã và sẽ mang theo cho đến hết cuộc đời đó là lòng thương yêu học trò và niềm yêu thích nghe hát cũng như thích nghe những tiếng hát học trò, “ tiếng hót của những con chim chỉ hót những khi nó thích ! “.
Xin cám ơn những em học trò cũ của tôi cũng như các thân hữu khắp nơi đã vào đọc những bài viết cũng như đã để lại những replies trong năm vừa qua.
Cám ơn Mãnh,Thìn đã tổ chức buổi họp mặt Pleiku & Pleime ngày 30 tháng 11 năm2008 tại Saigon. Cám ơn thuyvugl đã tổ chức 2 buổi họp mặt mini tại Pleiku và gửi hình về nhờ vậy tôi đã thấy được dáng dấp bây giờ của một số giáo-chức đồng nghiệp và các em học trò cũ của tôi. Khi nghe lại được giọng nói của một số các em của lớp 10A2 thân thương qua điện thoại trong dịp các em họp mặt lòng tôi đã đầy bồi hồi xúc động.
Tôi cũng rất vui đượcthấy Đông, tiếng hát học-trò một thời vang bóng tại Pleiku,trong những tấm hình ngày họp mặt tại Saigon, dáng dấp em còn rất trẻ. Tôi có để ý tìm nhưng không thấy Tin, một tiếng hát học trò nổi tiếng khá lâu tại Pleiku, trong hình. Tôi hy vọng trong năm mới này các em sẽ cho các bạn bè và thầy cô được nghe lại tiếng hát của các em mà mọi người trong đó có tôi đã từng rất yêu thích !
Cám ơn Hạnh, Tùng-Sinh đã chia sẻ với bạn bè những kỷ niệm dấu yêu của thời đi học qua những bài viết các em gửi về. Mong các em sẽ tiếp tục và tôi cũng hy vọng được nhìn thấy nhiều khuôn mặt mới nữa sẽ cùng về hiện diện trong sân trường.
Lời cám ơn cuối xin được gửi tới Cửu Dũng , Khắc Hải và Hữu Lượng.Trang liên trường từ ít lâu nay đã có rất nhiều tiến bộ.
Đang còn là ngày đầu năm của năm 2009 tôi xin chúc mỗi người trong chúng ta một năm mới tốt lành đầy vui tươi và hạnh phúc.
Gs nguyễn Đăng Dự
Tháng 01 năm 2009 Québec ( Canada )
|