Trở Về


  Vũ Thị Bích – Hè 2008        




Seattle mấy hôm nay nắng ấm. Mọi người hoan hỉ nói, “It’s beautiful, today!” Riêng tôi, nắng ở đây đưa tôi về với nắng quê hương. Không có “giọt nắng” xuyên qua lá cành, nhỏ xuống vai mềm, như Trịnh Công Sơn đã gọi tên. Nắng chan hòa, nắng rực rỡ. Nắng nhẹ nhàng đánh thức giác quan. Nắng dịu dàng mơn man cảm giác. Nắng chói chang dục ta trốn chạy. Nắng hừng hực muốn đốt thiêu ta. Cảm nhận của mỗi chúng ta về nắng, thật sự có khác nhau. Nắng khiến tôi ngột ngạt, nhưng tôi yêu nắng.

Tôi vốn thích là cô giáo, một phần nào đó, cũng vì những tháng ngày rong ruổi mỗi mùa phượng đỏ. Nhưng mùa hè đã thực sự qua rồi! Chúng ta còn bao nhiêu mùa hè nữa nhỉ?

Vừa kết thúc “summer school”, tôi lên đường về cố quận. Cả hai chúng tôi đều rất đông anh em, để được xum vầy, tôi đã đi gần trọn các miền đất của quê hương.

Vì “ông bô” tôi không khỏe, nên tôi về đến Saigon là ra Đà Nẵng ngay, sau khi gặp lại các em và cháu nội một khoảng thời gian ngắn ngủi. Đà Nẵng năm nay thay đổi thế nào, thật tình, tôi không có nhiều thời gian để biết rõ. Nhưng trên đường từ Đà Nẵng đi Hà Lam, nhà cửa và công sở dựng xây nhiều hơn, cuộc sống như nhộn nhịp hẳn lên. Riêng ở Hà Lam, ngay đầu thị trấn, một cây xăng khang trang, với con đường vừa mở rộng, đã khiến tôi ngỡ ngàng, tưởng lạc bước nơi nào ! Nơi quê hương thứ hai này của anh tôi, tôi như trở về nhà, giữa thân thương của chị và các cháu. Cũng như mọi năm, tôi lặng lẽ nói chuyện với anh tôi. Tôi xoa tay trên gương mặt sáng ngời của anh tôi trên mộ chí, “Bình an lắm hả anh? Lại một năm qua rồi đó!”

Ở Đà Nẵng năm nay, chị Lê Thị Thanh, người bạn tri kỷ năm xưa, đã giúp tôi được gặp lại thầy cô và các bạn cũ. Ôi, tuyệt vời biết bao, sau gần nửa thế kỷ, chúng tôi lại được xum vầy. Màu trắng bạc đang dần đến trên từng mái tóc, cũng không ngăn nổi những xôn xao, náo nức, và hình ảnh ngày xưa, ngược trở về. Trong tình thân ấy, chúng tôi cất tiếng hát; và đưa nhau về với những dí dỏm của ngày còn bé. Hôm ấy, mưa tầm tã. Bạn Trần Viết Hàng đến muộn, gọi từ xa, “Nửa đường, mưa làm ướt hết áo, phải về nhà thay áo đã!” Điện thoại réo liên tục, Thanh và gia đình đã chu đáo, để có thể mời được nhiều bạn bè, trong căn nhà bé nhỏ, ấm cúng ấy, để có thức ăn ngon và nóng ấm. Ngoài ra, Thanh còn đặt một ổ bánh thật ngon, với hàng chữ “Vui ngày họp mặt bạn xưa”, khiến tôi vô cùng cảm động. Hôm ấy, cô giáo tôi, cô Phan Thanh Gia Lai, không đến được vì đang nằm viện, Thanh đã thu xếp để tôi được đến thăm cô. Cô tuy không khỏe, nhưng vẫn giữ được nụ cười duyên dáng. Thầy Trần Đại Tăng đến với chúng tôi. Khi tôi thưa với thầy là, “Phước ‘râu’ sẽ đến đón thầy đấy ạ.” Thầy hỏi lại, “Phước ‘dân biểu’ ấy hả?” Thì ra, trong chúng tôi cũng lắm kẻ “nên ông, nên bà” đấy nhỉ? Nào chức sắc trong chính phủ, nào bác sĩ, nào dược sĩ, nào kỹ sư, …vân vân. Nhưng nơi đây chỉ còn chúng tôi, những đứa học trò ngày xưa, dưới mái trường Phan Châu Trinh, một thời cùng nhau đèn sách, đang hồn nhiên xum họp hát hò, trò chuyện…

Rồi tôi ra Huế. Biển Nam Ô vẫn lồng lộng gió, vẫn sóng vỗ dạt dào. Từ Ngã Ba Huế đến chân đèo, nhiều trường học, công sở, công ty, đã làm ta tưởng đây là một thành phố, chứ không còn là những bãi hoang cho lũ học trò bé nhỏ chúng tôi, tìm nơi cắm trại vui chơi nữa. Tuy nhiên, vẫn còn đó, những chiếc thuyền đánh cá, bập bềnh ven bãi cát hay lờ lững ngoài khơi.

Chiếc xe khách chui vào hầm, sáng chói ánh đèn. Cảnh quang như được giữ sạch hơn. Vẫn những xốn xang khi xe chạy qua vùng vịnh nhỏ, nơi có những người bất hạnh, như bị bỏ quên. Huế cũng như đổi thay, với những ‘resources’ ở khắp nơi. Tưởng như mức sống của người dân đã được nâng cao. Bến xe cũng đã trật tự hơn. Tài xế taxi không được vào trong bến, nên tôi phải vất vả với hành lý mang theo. Trở về nhà, không còn mẹ, căn nhà vắng lạnh hẳn. Không còn những bữa cơm ngon, không còn thấy mẹ bỏm bẻm nhai trầu, không còn thấy mẹ thơ thẩn vào ra. Cũng may, còn đây những giò lan lủng lẳng, thêm vào hàng dây leo mầu cam xẫm, đã làm cho căn nhà duyên dáng hẳn lên. Vẫn bến sông xưa, không còn nô đùa vùng vẫy. Vẫn con đò ra đảo thăm mộ, không rộn rã tiếng nói người thân. Chỉ vài chúng tôi thì thầm, bên mộ vắng.

Tôi đến Huế vào mùa chay tháng bảy. Mọi người tấp nập đi chùa. Năm nay, tôi theo cô em và các cháu đi lễ ở đền Hòn Chén. Từ khắp nơi, người ta lũ lượt kéo đến đây. Sau khi tìm được chỗ đậu xe, chúng tôi đi mua vé. Trước khi xuống đò để qua bên kia sông, một cô bé đưa một bịch ốc, mời chào. Những con ốc bươu nhỏ. Tôi bảo cô bé, “Ốc trông ngon đấy, nhưng cô đi chùa đã.” Mọi người cười ầm lên, tôi ngơ ngác. Cháu gái tôi bảo, “Họ có mời mợ ăn đâu, họ mời mợ mua, để thả phóng sinh đấy!” Ồ, mình thật dốt, chẳng biết gì cả. Tôi cảm thấy buồn cười, khi nhận ra cái ngớ ngẩn của mình. Cô em tôi mua thật nhiều bịch ốc và bịch cá. Những con cá đang vùng vẫy. Mỗi người vài bịch. Em tôi nói, ra giữa giòng thì thả. Tất cả chúng tôi đều hăng hái và chờ đợi thuyền mau rời bến.

Từ xa, đã thấy khói hương nghi ngút trên đỉnh ngọn đồi nhỏ, như một đám cháy vừa tàn. Tàu bè qua lại, như muốn chật cả khúc sông. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng nhạc cúng vang rền khắp mặt sông. Hằng hằng, lớp lớp những con thuyền, sơn son, thiếp vàng, rực chói. Tiếng phèn la inh-ỏi. Trên bờ, mọi người xuôi ngược chen nhau, trên lối đi nhỏ hẹp. Người với người! Biết bao ông vương, bà tướng, ăn mặc sặc sỡ, vội vã chen lấn. Phải khó khăn lắm, mới lên được đến nơi. Không thể nào chen vào trong. Người đông ơi là đông! Khói hương mù mịt. Mồ hôi ướt đẫm. Trẻ con nằm vật vờ ở góc sân. Tôi chắp tay vái từ bên ngoài, xin Thần Thánh phù hộ cho người dân tôi có gạo ăn, và không bị thiên tai vùi dập. Các cô em thấy tôi đi ra, ngạc nhiên. Tôi nói, “Chị vái xong rồi!” Cả nhà bật cười. Không đơn giản như tôi, các cô em chen vào trong, chắc sẽ đứng trước từng bàn thờ khấn nguyện. Tôi ra ngoài, nhìn khúc sông trước mặt, cả một dãy dài thuyền rồng rực rỡ, ngoài xa, thuyền bè qua lại như mắc cửi, như trong giờ tan sở, ở Hà Nội, xe cộ ngập đường. Tôi còn thấy một chiếc thuyền giấy, to gần như thuyền thật. Có đủ lễ vật trên ấy, đang bập bềnh giữa giòng sông.

Tôi đứng trên nấc tam cấp cuối cùng, ngoài mùi khói nhang, mùi thuốc lá phả khắp nơi! Trong cái nắng của xứ Huế, trong cái nóng của hơi người tràn ngập, mùi khói thuốc thật ngột ngạt. Nhưng không còn chỗ nào lảng tránh. Vì tôi còn phải chờ đợi các cô em. Tôi chỉ muốn chạy bay xuống bến sông, qua bên kia, để… thở!

Như để bù lại, sau đó, cô em dẫn tôi đến một ngôi chùa, có tượng Phật Bà trắng toát và uy nghi ở trên cao. Cây cỏ bao quanh ở phía dưới, tạo cho khung cảnh thật thanh vắng, êm đềm, khác hẳn với lễ hội ở Hòn Chén lúc trưa. Nơi đây, tôi lặng lẽ chắp tay nguyện cầu hồi lâu.

Trên đường về, chúng tôi ghé “Vườn Huế”. Thức ăn ở đây ‘trang nhã’ và ngon miệng. Các cô bé phục vụ cũng rất dễ thương; nhưng đĩa nào cũng bé bé, xinh xinh, như trong những đám giỗ ngày xưa, ở Huế!

Một buổi tối, chúng tôi đến khách sạn “Star View”, vì nơi ấy có thể vừa ăn, vừa nghe nhạc sống. Ban nhạc người Philippines, hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Chỉ có hai người thôi, một cô bé và một cậu bé. Có thêm vài vị khách, cao hứng, lên hát mà thôi. Nhưng khung cảnh êm đềm, thanh thản. Từ ban công nhìn xuống, Huế, về đêm, vẫn có vẻ tĩnh lặng, giản đơn. Cô em tôi mua vé massage cho mấy chị em, 8 dollars cho mỗi người. Hai cậu em đi về phía “Males”, còn chúng tôi đi về phía “Females”. Các cô bé có lẽ từ quê lên, giản dị và thật thà. Có nhiều phòng để tắm hơi, tắm trong spa, tắm nước nóng, rồi nằm cho các cô bé massage. Mỗi khi cô bé dùng sức, để miết những ngón tay bé bỏng trên thân thể mình, tôi không cảm thấy thoải mái, mà ái ngại. Tôi bảo, “Thôi, cháu đừng làm nữa, chúng ta ngồi nói chuyện đi.” Cô bé bảo, “Cháu làm quen rồi, không mỏi mệt đâu!” Tôi bảo cháu, “Ừ, cháu muốn làm thì làm, nhưng không phải dùng sức thế đâu.” Rồi cái máy mở nhạc nhẹ trong phòng tắt ngúm. Các cô bé, cố gọi người sửa, nhưng chờ mãi chẳng thấy, tôi bảo, “Để cô hát cho các cháu làm.” Tôi và cô em, với hai cô bé, cười đùa ca hát như người thân. Tôi chợt nghĩ, sao mãi chẳng có sự cân bằng giữa những cuộc đời! May sao, các cháu thật vô tư, hồn nhiên với tuổi đời thơ dại. Hay cuộc sống đã tạo cho các cháu tính cách ấy? Biết đâu, Thượng Đế đã mang lại cái thư thái ấy, đến với người nghèo khó?

Bay ra Hà Nội. Sân bay tấp nập người và xe. Một người cháu làm ở Nội Bài, đem hoa đến tận cửa máy bay tặng tôi. Cám ơn các cháu, những người kỹ sư trẻ của Hàng Không Việt Nam, mà những năm trước, đã cùng chúng tôi có những ngày vui ở Seattle. Suốt ba tháng các cháu học ở đây, tôi và các học trò của tôi, đã cùng các cháu chia sẻ những ngày xum họp vui vẻ. Kỷ niệm ấy còn mãi trong mỗi người. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã là những người thân của nhau.

Anh chị tôi đón ở bên ngoài. Từ Nội Bài, chúng tôi đi thẳng lên Phủ Yên, Thái Nguyên. Nội Bài ở giữa Phủ Yên và Hà Nội. Tôi luôn muốn thăm gia đình người cháu và anh chị tôi trước. Thái Nguyên thoáng mát, khác hẳn cái nóng nực của Huế. Những đàn bò, đàn heo, đàn gà, đàn vịt, những luống rau, những ao cá, tất cả tạo thành một khung cảnh thanh bình. Bữa ăn xum họp thật đầm ấm, cây nhà lá vườn, thật thanh khiết. Khí hậu nơi đây gần giống Đà Lạt và Pleiku. Ẩm ướt và thoáng mát.

Trở về Hà Nội, dập dìu người xe, sự ồn ào tấp nập, như kích thích sự đua chen. Mọi người hối hả đi. Ngay cả phản xạ cũng bật phát tức thì. Tuy nhiên, nơi đây cũng có sự tương phản. Quá 8 giờ rồi, vẫn thấy quý ông, quần áo bảnh bao, ngồi chờ, thật lâu, ở những quán ăn hay quán cà phê. Nói chuyện ầm ĩ, về đủ mọi đề tài, như bất tận!

Tôi về đây, để thấy “ông bô” tôi nằm đó, mắt nhắm nghiền, lặng lẽ. Đã từ rất lâu, cụ không ra khỏi nhà, chỉ quây quần với con cháu, và liên hệ với thế giới bên ngoài qua TV. Có chăng là hai lần cụ phải bước qua ngưỡng cửa, đó là hai lần cụ tiễn hai người em ra đi. Nhìn cụ, tôi thấy mọi sự như biến mất, không gian này, chỉ còn tôi với “ông bô” thôi. Tôi muốn biết cụ nghĩ gì, cụ còn vui không, cụ có buồn gì không. Cụ như tỉnh lại, khi tôi trở về. Cụ ngồi đấy, lắng nghe và trả lời. Khuôn mặt dịu dàng, trìu mến. Cụ vẫn tỉnh đấy thôi! Tôi xúc động dạt dào. Cụ tuy yếu đuối, nhưng cụ vẫn là cột trụ, chống đỡ gia đình chúng tôi.

Một buổi sáng, tôi nhờ chị tôi mượn xe đạp. Phải đi loanh quanh mãi, chị tôi mới mượn được cho tôi. Giờ đây, người Hà Nội ít đi xe đạp.

Thật sung sướng, khi một mình với nắng gió Hà Nội. Đi xe hơi, không có gió mơn man. Đi xe máy, tóc rối thôi bay trong “helmet”! Không mũ, không bao tay, tôi sung sướng đạp xe đi.

Vòng sau sân banh Hàng Đẫy, ngày xưa con đường này, có nhiều hoa ngọc lan tỏa ngát. Tôi đi về phía vườn hoa Canh Nông, nay là vườn hồng, trước lăng. Rồi rẽ phải, ra Hồ Tây. Hồ Tây vẫn bao bọc bởi hàng cây cao tỏa mát, người người trên những ghế đá. Trên bến, có hàng dãy pedal-eaux, những con thuyền, và cả canoes nữa. Ngôi chùa uy nghi với 7 tầng tháp đỏ, ven hồ. Gió mát lồng lộng. tôi thích thú đạp xe qua hai hàng phượng đỏ. Lòng thanh thản, tươi vui. Hồ Trúc Bạch ngày nay, không còn rác đọng ven hồ. Nước trong xanh. Có những tòa nhà mới ven hồ, tạo thành nét tươi sáng, không im lìm như năm trước. Vòng lên đê Yên Phụ, tôi trở lại đường Phan Đình Phùng, rồi Hàng Cót,…để đến Hồ Gươm. Nắng Hà Nội, tuy không đổ lửa như nắng Saigon, không gay gắt như nắng Đà Nẵng, nhưng cũng làm thịt da rát bỏng. Thấm mệt khi đạp đua cùng đám xe máy, và luồn lách để rẽ phải, quẹo trái. Nhìn Hồ Gươm xanh mướt bóng cây. Liễu vẫn rũ, che phủ Tháp Rùa nhỏ bé và cô độc giữa bóng nước mênh mông. Vừa ngồi xuống để nghỉ ngơi, để ngắm nước hồ, màu xanh lục cỏ cây; một người mặc sắc phục, cầm gậy, đến nói, “Xe đạp không được dựng ở đây.” Tôi ngạc nhiên, vì bên ghế đá ở Hồ Tây, có người dừng xe đạp, ngồi nghỉ đó thôi! Cô bé ngồi bên cạnh giải thích, ở Hồ Tây không có bãi giữ xe, ở đây có đến 3 bãi giữ xe! Thì ra là thế! Tôi chẳng có tiền gửi xe, cũng chẳng có tiền để vào quán uống nước. Thôi thì, lên xe đi tiếp vậy! Nắng vẫn nóng, cây râm mát ít dần. Tôi về đến nhà, mặt đỏ dần, nhưng tâm hồn hớn hở. Tôi đã có những giây phút với Hà Nội, một mình tôi!

Chúng tôi xuống Hạ Long. Quán xá trên đường đi nhiều hơn. Người dân đã biết dựng quán bên đường, bán nhãn, bán dưa lê, bán ổi,…như các quán lá bên đường đi Vũng Tàu hay Đà Lạt ngày xưa. Hạ Long dựng xây nhiều, nhiều con dường mới, nhiều công trình mới. Thành phố biển như rộn ràng hơn. Nhưng thời gian tôi đến nơi này, vừa trải qua một cơn mưa lớn hay bão rớt. Bên kia Bãi Cháy, ở Cao Xanh, một hồ chứa nước vỡ toang, kéo theo đất cát chảy xuống các nhà ven đồi, làm chết một người mẹ; và lấp đầy, phá vỡ nhiều nhà khác. Nghe đâu, trên đỉnh đồi người ta vừa xây, một bể chứa nước cho chung cư mới. Vì chất lượng không tốt, bể vỡ toang, gây nên tai nạn chết người. Mùa bão ấy, đã lấy mất của Hạ Long, 10 người dân lao động!

Trở về Saigòn. Gần như khắp mọi nẻo đường, đều có chiến lũy ở chính giữa. Nơi ấy, máy móc và các người thợ ở tạm, để thay ống dẫn nước, thay ống lớn hơn. Công trình kéo dài đã lâu, và hình như đang ngưng trệ vì kinh phí. Chỉ thấy, người và người, đông nghịt trên từng con đường. Ô tô tỏa hơi nóng bên người, xe máy phả khói trước mặt! Phải ra đường ở Saigon, thì thật là khổ!

Đi đâu cũng phải đội mũ ‘baỏ hộ’. Bỏ mũ ra, tóc tai rũ rượi! Còn đâu bóng dáng mái tóc huyền, dịu dàng buông lơi, quanh lưng mềm thiếu nữ! Tuy nhiên, nghe đâu, nhờ thế mà số lượng tai nạn, đã giảm đi nhiều.

Nhiều quán ăn lịch sự, như quán “Hỉ” ở 19 Tú Xương. Hôm ấy, tôi đến và đã gặp bác sĩ Phúc. Một bác sĩ trẻ, người Việt Nam, ở Mỹ về, cùng một số bác sĩ nước ngoài, đang về Việt Nam chữa miễn phí Răng Hàm Mặt cho người nghèo. Có lẽ bệnh nhân phải chịu một chi phí nhỏ, vì các bác sĩ phải mượn phòng mổ của các bệnh viện ở đây. Tôi cảm thấy lòng vui lên, vì tuổi trẻ Việt Nam đang lên tiếng, đang chia sẻ với đồng bào của mình những khó khăn, bằng chính khả năng của mình.

Gia đình tôi hè này, có tổ chức một đám cưới. Đám cưới cháu tôi. Tổ chức ở một nhà hàng, với phần phục vụ nhạc sống và hoạt cảnh lúc đầu. Khung cảnh trang trọng và rộng lớn. Có thảm đỏ ở giữa phòng, trên một lối đi đắp cao, trên ấy cặp uyên ương sẽ đi từ bên ngoài vào, để ta mắt quan khách. Bàn ghế và khăn trải, đẹp và trang nhã. So với bên này, tổ chức đám cưới trong một nhà hàng như vậy, không phài dễ dàng! Dù trong gia đình tôi có rất nhiều ca sĩ, hát rất hay, nhưng vẫn bị khách mời hăng hái chiếm sân. Họ hầu như làm chủ tình thế, mãi cho đến gần giây phút cuối!

Nhìn đám con cháu xinh đẹp, khỏe mạnh, tươi tắn, trưởng thành, lòng tôi sung sướng quá. Đứa cháu nội tung tăng cùng đàn trẻ, thỉnh thoảng lại chạy đến ôm và thì thầm với nội. Gặp lại họ hàng, bạn thiết, bao chuyện buồn vui, thấy mình như vẫn ở nơi này, với thân thương tràn lấp.

Một buổi họp mặt khác, với bạn bè xưa ở Saigon. Lần này, anh Phạm Ngọc Lâm, đã giúp tôi được gặp bạn bè, ở quán Nhà Tôi, trên đuòng Lê Quý Đôn. Quán lịch sự, người tiếp ân cần. Vui biết bao nhiêu khi gặp lại bạn bè. Hai cô bạn cùng bàn, mà ngày xưa chúng tôi thường cùng nhau cười khúc khích, Aí Liên và Kim Anh, các bạn tôi đã cho tôi niềm hân hoan và ấm áp biết bao! Chị Phú tặng tôi quà và một bó hoa, “mừng ngày hội ngộ”, chị Bích Bửu của anh Đoàn Tri, tặng tôi những cuốn thơ, và hơn hết là sự có mặt của các bạn tôi. Đã lâu không được nói với nhau như ngày xưa, đã lâu không được cười đùa thoải mái. Đã lâu không được cùng nhau hát hò. Chúng tôi hát cho nhau nghe, chúng tôi hát cùng nhau, tất cả những bài hát nào, được ai đó bắt đầu. Vui thật là vui! Anh Hồng hát những bài “nẫu” thật hay, thật buồn. Tôi muốn cám ơn anh Lâm đã vất vả cho buổi họp mặt này.

Chia tay nhau rồi, tôi vẫn còn nhớ từng khuôn mặt của ngày hôm ấy. Tôi mong là, từ đây chúng tôi còn nhiều cơ hội để gặp nhau, để chia sẻ với nhau, những vui buồn của những tháng ngày còn lại.

Đáp xe Phương Trang lên Madaguoi, ngày hôm sau. Xe sạch sẽ, có phát cho mỗi người một khăn lau, và một chai nước. Ghế có thể bấm, để ngả người ra phía sau nghỉ ngơi, như trong phi cơ. Người phụ xế , mặc đồng phục với cà vạt ngay ngắn. Tôi cảm thấy bình an. Nói đến đồng phục, phải nói là điều gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất, trong chuyến đi này. Học trò mặc đồng phục khắp nơi. Từ Hạ Long, đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Bảo Lộc, Saigòn. Ở Đà Lạt, nữ sinh đều mặc quần trắng, áo dài trắng, nhưng mỗi trường có áo lạnh khác màu nhau. Có trường mặc màu xanh nước biển, có trường mặc màu xanh lá cây, màu cam,….Nữ sinh Bảo Lộc, áo quần trắng với áo lạnh mầu xanh đậm hay màu đen, lỗ với lỗ như mắt lưới. Nữ sinh Lê Quý Đôn Saigon, áo trắng với nơ xanh nước biển đậm, trên cổ áo. Ở những công ty, các trung tâm ngoại ngữ, nhân viên phòng ghi danh cũng mặc đồng phục. Khắp nơi, thấy người người trong các bộ đồng phục, mọi việc trông có vẻ trật tự hơn, nhưng đâu đây bóng dáng Hàn Quốc, như trong các phim bộ nước Hàn, hay là người Hàn Quốc đang nắm ưu thế trên đất nước ta?

Madaguoi vẫn chưa rộn rã như một phố thị, dù đã đào được một hồ lớn, ven quốc lộ, trước UBND, không biết có phải vì áp lực kinh phí hay lý do nào, nhưng Madaguoi vẫn chưa có gì thay đổi lớn. Biết đâu như thế lại hay, vì người ta vẫn còn có thể nghe tiếng rì rào của cây cỏ; tiếng suối reo nhẹ nhàng từ thác Đam Ri? Riêng em tôi vẫn thế, vẫn trẻ mãi, vẫn mỉm cười mỗi lần chúng tôi viếng mộ! Cây cối tươi xanh của miền cao nguyên ôm ấp em tôi, không cô quạnh, trơ trọi, như anh tôi ở vùng cát nóng.

Từ Madaguoi, tôi lên Bảo Lộc, thăm bà cô của tôi. Cũng tại nơi đây, tôi thấy hai đứa cháu trai, trong đồng phục nhà trường, rất sáng sủa và dễ thương. Bảo Lộc vẫn thế, xứ sở của trà xanh vẫn bát ngát hương trà, và cuộc sống bình lặng của nó.

Tôi ghé Đức Trọng thăm bạn bè. Đường xá như sạch hơn. Trước Bưu Điện thành phố, có cây cảnh và các chậu hoa, có ghế đá cho dân ngồi. Đường xá, nhà cửa dựng xây như hệ thống hơn, gọn gàng hơn. Nhưng nghe đâu, nạn bè phaí vẫn ảnh hưởng đến đời sống người dân, như con của người bạn tôi, đang là nạn nhân của nó.

Lên đến Đà Lạt, thành phố giờ đây, từng từng lớp lớp nhà kính, thật ra bằng nhựa trắng, trắng nhòa khắp nơi. Nhiều lộ chính mở mang, nên có thể đi Nha Trang hay Pleiku gần hơn ngày xưa nhiều. Như mọi năm, đại gia đình anh chi cả xum vầy, ca hát. Tôi cảm thấy vui, vì điều đó chứng tỏ, các cháu tôi còn biết nghe lời bố mẹ và thương yêu lẫn nhau. Các cháu lại là những tay nấu bếp cừ khôi, nên các bữa ăn, ngon thật là ngon!

Đường Bạch Đằng vắng vẻ ngày xưa, đã có nhiều nhà mới. Phố xá vẫn nhộn nhịp khách vãng du. Tuy nhiên, có một tin đáng buồn, là một cậu bé lớp 10, nhà ở đường Phan Đình Phùng, đã giết bố buổi chiều, và thản nhiên chờ đợi đến tối khuya, để giết mẹ kế. Rồi bình tĩnh ở nhà, tiếp tục buôn bán, cho mãi đến 3 ngày sau! Điều ấy làm tôi thất vọng, vì còn đâu phụ tử tình thâm, còn đâu sự trong sáng của tuổi thiếu niên!

Trở lại Saigon, như dự tính, chúng tôi lên Pleiku. Không khí dịu dần khi xe xa thành phố, về phía Bù Đăng, rồi Ban Mê thuột, rồi Pleiku. Khoảng 4 giờ sáng, gần đến Pleiku, sương mù bao phủ, một màu sữa trắng xóa. Tôi cố nhận biết xem là nơi nào. Nhưng không thể. Tất cả là hình ảnh của một Phú Thọ này xưa, đất đỏ và nhà cửa thưa thớt. Qua một vùng đất, gần Pleiku, tôi được biết là Hoàng Anh Gia Lai đã lập ở đây một trường đào tạo cầu thủ đá banh, cho các thiếu niên. Các em ăn ở, tập tành ở đây với sự dạy dỗ của huấn luyện viên có khả năng cuả nước ngoài, cho đến khi thực thụ trờ thành cầu thủ. Nghe nói về các hoạt động của ông Đoàn Nguyên Đức, tôi thật sự ngưỡng mộ. Lên đến Pleiku, tòa khách sạn cuả HAGL trước nhà thờ Thánh Tâm, rất bề thế và đẹp mắt. Pleiku đổi mới nhiều, Tôi đã mượn xe đạp và đi tìm “đường xưa lối cũ”, nhưng khu Bệnh Viện Dân Y và Bệnh Viện Quân Đoàn đã biến mất, thay vào đó là một công viên. Khu nhà ngày xưa của chúng tôi, đã trở thành UBND, chỉ còn mấy dãy nhà trống, nơi các em thường tập võ mà thôi!

Pleiku đẹp ra, Pleiku sạch hơn, nhưng Pleiku xa lạ! Trường Minh Đức không còn được xử dụng và ai đó đang xây thêm mấy dãy lầu. Khu nhà thờ Thăng Thiên, to lớn và đẹp hơn, nhưng cũng không còn là của chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi đến trường xưa, trường Trung Học Pleiku, có thêm nhiều dãy lầu, có cổng, có người gác. Khuôn viên trường bị lấn chiếm, không còn vuông vức. Tôi không tìm ra, những dấu chân xưa!

Chúng tôi đến Biển Hồ. Vẫn đẹp và tĩnh lặng. Một chiếc thuyền câu bé bỏng ở dưới xa, khi chúng tôi dứng trên tháp mới xây, nhìn xuống. Con dường mòn quanh hồ, giờ không đi được nữa, chỉ còn cỏ dại lấn đến mặt hồ. Nhưng đến đây, để nhớ lại ngày xưa, cũng thích thú lắm thay.

Tuy nhiên, mục đích chính của chúng tôi trong chuyến về Pleiku lần này là để thăm các làng cùi. Nhưng sau những cơn mưa tầm tã, xe không thể vào được, và có làng xa đến 90 cây số! Vì thế, cha Trần Sơn Nam và Soeur Xavier đã giúp chúng tôi gặp họ ở nhà thờ An Mỹ. Còn họ phải đi xe công nông, ra tận nơi ấy. Lòng tôi thật ái ngại. Cha, các soeur, và các thầy, đã chuẩn bị thật kỹ càng, nào thuốc men, nào gạo, nào thực phẩm, bông băng,…Chúng tôi theo Cha đến, đúng 8 giờ sáng, người dân đã có mặt tự bao giờ. May là Cha đã cho mua thêm bánh mì thịt, nếu không, chắc họ đói lắm. Nhất là với không khí cao nguyên, trong một ngày mưa rả rích. Nhìn thấy họ trong những manh áo tả tơi, thân hình tiều tụy, ngón còn, ngón mất, lòng tôi vô cùng xao xuyến. Tôi chợt thấy phần quà quá nhỏ nhoi, so với những thiếu thốn của họ. Mỗi người trên cõi đời này có bao nhiêu mơ ước. Mơ ước nào cũng đầy hấp lực. Nhưng có mơ ước nào nhỏ nhoi hơn ước mơ của những người bất hạnh nơi đây?

Tôi tự ký một commitment, là từ đây, đến với họ, cũng là một phần trong kế hoạch hằng năm của tôi. Gần một tháng dài rong ruổi, những cảnh đẹp, những chốn xa hoa. Nơi đây, tôi thấy một cách biệt hẳn hòi, không những chỉ là vật chất mà còn là nỗi đau. Nỗi đau của những người bất hạnh. Nỗi đau của những người không được ở gần người. Nỗi đau của những người không được hưởng ánh sáng văn minh. Nỗi đau của những người không đuọc gửi trao ước mơ và yêu dấu. Tương lai nào đang chờ đợi họ? Bất hạnh nào đang đến, với những đứa con? Họ trăn trở trong vùng trời bé nhỏ, cô quạnh, ở chốn rừng sâu. Có chăng, ở quanh họ là những người cùng chung một nỗi đớn đau muôn thuở?

Về đến Saigon, hình ảnh rách rưới của người phong cùi trong cái lạnh se sắt của vùng cao nguyên, vẫn in đậm trong tâm tư. Tôi gọi đến chị Phú, để xin quần áo lỗi sợi, do công ty do cháu Diễm Trang với bạn bè thành lập. Công ty NALT Entreprise, ở Bình Dương. Đa số, các cháu tốt nghiệp ở Mỹ. Chị Phú mau mắn nhận lời. Tôi gọi cho cha Trần Sơn Nam để nói ý định của mình. Rồi nói chị Phú gọi Cha, để hai bên trao đổi. Kết quả thật tốt đẹp. Công ty của cháu Trang sẽ lục trong kho, các quấn áo lỗi sợi, để gửi lên Pleiku cho những người bất hạnh ấy. Tin mới nhận được, là cháu Trang đang tìm xe để gửi quần áo lên cho PK. Mấy hôm sau, thông gia của tôi, chủ nhân Công Ty May Mặc Hoàn Cầu đến thăm. Tôi cũng nói lên nỗi niềm của mình, và cô ấy cũng sốt sắng nhận lời. Cũng như lần trước, cô ấy cũng đã liên lạc trực tiếp với Cha Nam và còn đồng ý chịu tiền chuyên chở nữa. Lòng tôi như ấm lại, vì có cơ hội lo cho những người khốn khó ấy, lại vui vì mọi người chung quanh tôi thật có lòng. Đời vẫn còn rất đẹp.

Rồi tôi xuống Mỹ Tho thăm người chị, nhìn sự tàn tạ của kiếp sống trong sự vô tình của ruột thịt chung quanh, đã làm tôi đau đớn.

Các em tôi thường trêu ghẹo, “Để lần này cộng lại, xem chị ở nhà được mấy ngày!” Đúng thế, tôi ở nhà không nhiều. Nhưng làm sao được, thời gian của tôi không đủ! Tôi còn nhiều chú bác, cô dì. Các cụ tuổi đã cao. Không biết khi nào. Tôi luôn muốn được gặp lại các cụ. Ngoài ra, ở đâu mọi người thân cũng yêu thương tôi, cho tôi thật nhiều tình cảm đậm đà. Tôi không thể về Việt Nam mà không gặp họ, dù chỉ một lúc, một buổi mà thôi! Mỗi lần về, tôi đã “được” thật nhiều, tình yêu thương đã cho tôi thêm sức sống, thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Gia đình tôi, các anh em ruột thịt của tôi, đó là tổ ấm tôi tìm về. Nhìn đàn chàu, tôi mơ ước một tương lai, kéo dài ngày tháng của tôi, cho tôi thêm tuổi thọ.

Sau vài ngày xum họp với gia đình đầm ấm, với các em hết lòng yêu thương, với đàn cháu ngoan ngoãn. Đã đưa tôi trở lại cuộc sống hằng ngày. Cùng với các em, tôi đi bộ mỗi buổi sáng, hít thở không khí trong lành. Rồi quây quần cùng nhau, trước khi các em tôi đi làm và mỗi tối, trong những bữa ăn xôn xao tiếng nói cười. Tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc.

Trong những ngày cuối ở Saigon, tôi có cuộc họp mặt với bạn bè và học trò cũ. Như mọi năm, chúng tôi gặp nhau trong không khí thân mật, gần gũi. Mọi người thăm hỏi nhau, vui đùa với nhau, cùng nhau ca hát. Dù sự đi lại giữa Saigon vô cùng bực bội, vì sự tắc nghẽn giao thông, vì khói bụi, vì nắng gắt, nhưng mọi người vẫn đến đông đủ. Anh Trung hiệu trưởng, sau khi dỗ được các cháu ngủ, cũng đã có mặt cùng với chúng tôi. Anh Phước ở xa xôi cũng đến. Anh Phong đến với mái tóc đẫm mồ hôi. Cô Hạnh, dù ở tận Thanh Đa, đi qua Cầu Sơn đầy một rừng người và xe cộ, nhưng không bao giờ vắng mặt. Và cô Mỹ Dung, lần đầu tiên, tôi thấy Mỹ Dung đi xe máy, vẫn duyên dáng trong tà áo dài tha thướt. Ngồi hai bên tôi, là Mỹ Dung và em Tâm, cô giáo của trường Bồ Đề năm xưa. Tôi thấy không khí thân thương biết bao. Hôm ấy, em Phát đã hát thật hay. Không đàn, không trống, em bắt nhịp bằng tiếng gõ trên mặt bàn, tiếng hát của em khiến mọi người im lặng. Em Thìn vẫn luôn ồn ào với bao nỗi niềm tâm sự. Pleiku vẫn luôn là một phần của cuộc đời tôi.

Ngày 30 tháng tám, tôi trở về Seattle. Cháu nội bé nhất đón tôi ở phi trường SeaTac, với ông nội và bố cháu. Cháu vẫn nhận ra bà nội. Ôm cháu mà lòng thấy lâng lâng. Chiều hôm ấy, gặp lại hai cháu Lâm & Mi, trở về từ Cali. Mới đó thôi, mà cháu tôi cao như một thanh niên, vẻ mặt như nghiêm trang hơn, còn cháu gái đã dịu dàng, như một thiếu nữ. Các cháu luôn mang đến niềm vui ấm áp cho tôi. Cho tôi có những ước mơ, mơ một tương lai tốt đẹp sẽ đến với đàn cháu nhỏ.

Ngày hôm sau, ngày 31/8, tôi bay đi Cali để họp mặt với Pleiku. Gặp lại bạn xưa thật là vui. Gặp lại trò cũ, chợt thấy lòng rung động. Không cảm nhận được là các em đã là “người lớn”, đã thật sự trưởng thành. Reo lên bất ngờ, tôi ôm các em trong tay. Tôi thấy lòng mình tràn ngập niềm vui.

Tuy nhiên, không phải mình luôn có được tất cả những gì mình muốn. Tôi gần như ngã quỵ, vì sức khỏe hao mòn và tâm tư xao động, sau một chuyến đi dài. Dù chung quanh còn nhộn nhịp, dù tình cảm đang rộn rã đón trao, dù nhạc còn vang lên lồng lộng, tôi dã phải ra về.

Sáng ra, hẹn nhau tại tiệm Triều Châu, ở gần Phước Lộc Thọ, để có thể xum vầy đôi phút. Nhìn các học trò thân thương, lòng tôi chợt ấm lại. Cuộc sống mỗi người theo mỗi nhịp, nhưng tình cảm cho nhau vẫn có những điểm chung. Theo Vũ Thái Nam, một học trò cũ, và cũng là một người em tôi quý mến, vì Nam là bạn thân của em trai tôi. Chúng tôi đến nhà vợ chồng thầy Cư và cô Lựu, để hội ngộ lần thứ hai với bạn bè xưa. Đường đi dài quá, nắng quá, mệt quá, tôi đã gần như không còn đứng vững. Nằm dài trong phòng, khi mọi người huyên náo ngoài kia. Một hồi lâu, tôi mới lóp ngóp ngồi dậy, để cùng bạn bè và học trò, chia tay nhau lần nữa.

Ngày 1/9 tôi trở về từ Cali, dù rất mỏi mệt, ngày 2/9 tôi đã phải đến trường. Không thể đi Tri-cities, thăm 3 đứa cháu ngay sau đó. Thứ Sáu tuần ấy, sau khi tan trường, tôi lái xe đi. Trời tối dần, không khí như dịu hẳn lại. Tôi hát miên man. Hát cho từng chặng đường ngắn lại. Hát cho quên bóng tối xuống dần. Khoảng hơn 6 giờ tối, ánh đèn vàng, từ Tri-cities, đã thấp thoáng từ xa. Tôi nhỏm người, căng thẳng, vì sắp được ôm trong tay, các đứa cháu bé bỏng. Rémi thật láu lỉnh, nhanh nhẹn. Sóc thật “sweet” và âu yếm. Nguyên Cát hoạt bát, lém lỉnh. Tôi vui với con cháu, trong một ngày vui của Công Ty các con, trong ánh nắng đẹp và thức ăn ngon. Chúng tôi quây quần dưới bóng râm mát của hàng cây, với gió mơn man. Một ngày của hạnh phúc.

Mùa hè đã thật sự qua rồi, lá cây maple đang bắt đầu thay sắc. Thu đang đến. Rồi lá sẽ “đổ muôn chiều”, ngày tháng rồi sẽ qua đi. Nhưng đâu đó, tuổi trẻ Việt Nam đang bừng lên sức sống mãnh liệt. Sức sống ấy đang hướng về đồng bào ruột thịt, khiến tôi mơ ước, mơ ước một Việt Nam tốt đẹp ở tương lai.

Seattle, tháng 9 năm 2008
Vũ Thị Bích