BẤT HẠNH
Vũ Thị Bích
Mấy hôm nay, tin tức về cơn bão Ike ở Houston, Texas; sự tàn phá của thiên nhiên, sự mất mát của con người, đã khiến tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ đến những bất hạnh của các nạn nhân trong cơn bão vừa qua. Tôi cũng nghĩ đến những người bị phong cùi, ở miền cao nguyên đất đỏ hiện nay.
Mỗi con người chúng ta, đã có những không may trong cuộc sống. Những lúc ấy, chúng ta tưởng như, đòi sẽ không bao giờ còn là màu hồng mơ ước. Những lúc ấy, ta tưởng như, ta là kẻ bất hạnh nhất trên đời. Rồi mọi sự cũng qua đi, chúng ta lại đứng dậy, và cuộc sống tiếp tục, đôi khi lấp lánh màu hồng.
Nhưng nhìn sự điêu tàn của cảnh vật, nhìn nét đau thương, thất thần của kẻ trở về giữa tan hoang, tôi thực sự muốn chia sẻ. Mỗi chúng ta, ngoài nỗi khổ đau, do chính loài người đem lại, còn chịu những mất mát, xót xa, bởi sự tàn phá của thiên nhiên. Cuộc sống vốn là thế. Chúng ta luôn phải đấu tranh với những bất hạnh đến với mình, để tồn tại, để lại tiếp tục cuộc sống, với bao bất trắc vây quanh.
Đến ngay cả người đã khuất, cũng không được yên, nhìn các ngôi mộ bị cuốn lên, rồi văng tung tóe, đè lẫn lên nhau, tôi cảm thấy đau lòng. Làm sao ngăn được nỗi bi thương trong tâm tư của những người thân? Nỗi bất hạnh của họ, làm sao đong được!
Nhớ lại chuyến về Pleiku vừa qua, lòng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mát mẻ, sau những ngày mưa tầm tã, đâu đó vẫn có những cơn mưa nhẹ, với những giọt mưa lất phất.
Cơn mưa mấy hôm trước, đã ngăn chúng tôi tiến về làng cùi. Xe thường không thể chạy vào đó. Và chúng tôi cũng không thể, vác những tạ gạo, thực phẩm, thuốc men, trên đoạn dường dài. Có buôn ở xa gần 100 cây số! Vì thế, người phong cùi đã phải đi xe công nông ra Nhà Thờ An Mỹ, để gặp chúng tôi. Trước sự vất vả, trước cái rách rưới, trước những ánh mắt buồn muôn thuở của họ, tôi cảm thấy phần quà, quá bé nhỏ; và vô cùng ái ngại.
Còn gì trông chờ họ ở tương lai? Hạnh phúc nào đến với họ, trong cái đớn đau cuả thể xác và ê chề của tâm hồn? Tôi thương họ mà không thể chia sẻ điều gì. Muốn gần gũi họ cũng không phải là diều dễ. Lòng tôi thật băn khoăn, phiền não; vì tôi không thể ôm ấp họ, để họ cảm nhận tình thân ái của tha nhân. Tôi đứng đó, bên cạnh Cha Hiệu Trưởng, cảm thấy như mình đã không công bằng đối với họ. Tôi cũng cảm thấy mình chưa thương yêu loài người, như Masoeur Xavier đã thương họ. Chính tay Soeur đã rửa vết thương cho họ, đã ôm ấp họ trong tay, để an ủi nỗi cô đơn của họ. Còn tôi, tôi chỉ đứng đó, nhìn họ xót thương, mà không có một hành động nào cụ thể. Tôi tôn trọng biết bao tình thương bao la, mà Soeur Xavier đã dành chohọ. Soeur đã quên bản thân, để đến với họ.
Không biết có lúc nào, ngoài xót xa bản thân, họ bị ray rứt, khi nhìn người họ yêu thương, đang mất dần từng phần của thân thể? Có đớn đau khi nghĩ, gương mặt hồng hào, hồn nhiên kia, của những đứa con, rồi sẽ biến dạng, bởi cội nguồn quái ác của mẹ cha? Có ước mơ nào, làm sáng rỡ tâm hồn u ám, trước khổ đau ấy? Có chân trời nào rộng mở, cho những con người bất hạnh, của chốn rừng già âm u đó không?
Cho đến bao giờ, trên từng mảnh đất, không còn những bất hạnh đến với loài người chúng ta? Đến bao giờ nhỉ, để những người bất hạnh ấy, những con người bị Thượng Đế bỏ quên ấy, có được một đời thường bình lặng?
Seattle- Đầu thu 2008
Cô Vũ Thị Bích